Lớp dạy may công nghiệp là một trong 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được huyện Yên Khánh tổ chức trong năm 2016. Chị Mai Thị Lụa là một trong 35 học viên của lớp cho biết, hầu hết những học viên trong lớp đều là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của xã, thậm chí là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trước khi tổ chức lớp, chúng tôi được cán bộ phổ biến, tuyên truyền và khảo sát nhu cầu học. Được sự tư vấn của cán bộ làm công tác dạy nghề, chúng tôi quyết định tham gia lớp dạy may công nghiệp. Đây là nghề khá phù hợp với phụ nữ còn trẻ như chúng tôi. Mặt khác, tham gia lớp học nghề này, chúng tôi được doanh nghiệp về tận nơi dạy nghề may công nghiệp. Thêm nữa, vừa học, vừa làm, chúng tôi đã bắt đầu có thu nhập. Đến lúc tốt nghiệp, tay nghề vững chúng tôi vào làm luôn cho doanh nghiệp. Được học nghề, lại có việc làm nên chị em ai cũng phấn khởi. Có nghề và thu nhập ổn định rồi thì cuộc sống của chúng tôi sẽ khá hơn và có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học.
Theo kế hoạch của huyện Yên Khánh, năm 2016, huyện sẽ tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho 5 lớp phi nông nghiệp gồm: 1 lớp may công nghiệp, 4 lớp đan bèo bồng và 2 lớp nông nghiệp về phòng, trị bệnh cho gà cho 196 lao động nông thôn. Theo ông Phạm Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Khánh, để việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tế nhu cầu người học và định hướng phát triển xã hội của huyện, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn học nghề và việc làm cho hàng trăm lao động các xã, thị trấn để rà soát nhu cầu học nghề của lao động. Theo đó, tập trung lựa chọn ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, dịch vụ của huyện như: may công nghiệp, đan cói, bèo bồng… đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành được các lớp dạy nghề theo kế hoạch.
Cũng như huyện Yên Khánh, huyện Gia Viễn cũng đang nỗ lực nhằm đưa vào dạy những ngành nghề sát với thực tế của từng địa phương, từ đó dần thu hút và dành được niềm tin của lao động nông thôn. Ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, những năm trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, do thiếu kinh nghiệm nên chúng tôi lựa chọn dạy nghề để phù hợp với cơ sở vật chất mà đơn vị dạy nghề sẵn có. Hoặc có dựa trên nhu cầu của lao động nông thôn nhưng thiếu sự định hướng, lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu thị trường, bởi vậy mà chất lượng lao động, cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo vẫn chưa cao…, do vậy chưa tạo được niềm tin đối với người lao động. Khắc phục những hạn chế đó, thời gian qua, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu của thị trường lao động, thế mạnh của từng địa phương… để đưa vào dạy những nghề thực sự phù hợp, hiệu quả, giải quyết được việc làm lâu dài cho người lao động. Từ đầu năm tới nay, chúng tôi mở được 3 lớp dạy nghề, đó là nghề may công nghiệp, nghề nấu ăn cho lao động xã Gia Sinh và nghề đan cói cho lao động xã Gia Minh. Trước những hiệu quả do các lớp dạy nghề mang lại, bà con đã chú ý hơn tới công tác dạy nghề, tình trạng khó khăn trong tuyển sinh cũng được cải thiện phần nào.
Để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn, những năm gần đây, tỉnh ta đã thực hiện phân cấp rõ trách nhiệm từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cấp địa phương có trách nhiệm khảo sát nhu cầu học nghề, lựa chọn ngành nghề đào tạo và tổ chức các lớp học nghề; cấp tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn trách nhiệm, kiểm tra, giám sát . Cùng với phân cấp trách nhiệm, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng đã được thực hiện theo hướng chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo nghề sang đào tạo theo nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Đặc biệt là thực hiện đặt hàng dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nói riêng thông qua hợp đồng giữa các bên có liên quan để bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, để chương trình đào tạo nghề có hiệu quả thực sự, thì vẫn cần hơn nữa nỗ lực từ phía các doanh nghiệp và bản thân người lao động.
Đào Hằng