Thành công của những đề tài, dự án Đề tài "Nghiên cứu xây dựng đàn hươu sao hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế khu vực miền núi huyện Nho Quan" được Vườn quốc gia Cúc Phương triển khai trong 3 năm (2011-2013) trên địa bàn 3 xã (Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương) đã mang lại kết quả tốt.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong thời gian thực hiện, đề tài đã đánh giá hiện trạng và hiệu quả kinh tế mang lại của nghề chăn nuôi hươu trên địa bàn khu vực miền núi Nho Quan. Trên cơ sở đó xây dựng đàn hươu giống tập trung, bổ sung và hoàn thiện các quy trình chăn nuôi làm cơ sở mở rộng, cung cấp giống hươu cho địa phương phát triển kinh tế.
Sau 3 năm nghiên cứu và chọn lọc, đề tài đã xây dựng được một đàn hươu giống hậu bị đạt tiêu chuẩn cấp một với 33 hươu cái, 17 hươu đực. Vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, các chỉ tiêu về lượng, năng suất nhung cao hơn tiêu chuẩn đề ra. Hươu giống được đánh số tai, quản lý xuất nhung và sinh sản chặt chẽ bằng phần mềm ứng dụng.
Đồng thời đề tài đã xây dựng được hệ thống ghép đôi giao phối, tránh được triệt để sự sinh sản cận huyết. Kết quả của đề tài đã góp phần thực hiện mục tiêu cứu hộ, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen hươu sao quý hiếm, ổn định hệ sinh thái vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương. Sau khi kết thúc, đề tài tiếp tục phát huy hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn 3 xã miền núi của huyện Nho Quan (Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương).
Tính đến nay, tổng số đàn hươu đủ tiêu chuẩn làm giống trên trên địa bàn 3 xã là 440 cá thể, trong đó số hươu đực 148 cá thể và hươu cái 292 cá thể. Hầu hết các hộ chăn nuôi hươu sao đều có ý thức chủ động trồng thêm các loại thức ăn thô, xanh và tận thu các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho hươu sao, góp phần giảm thiểu tác động tới nguồn tài nguyên rừng.
Các quy trình kỹ thuật chăn nuôi hươu sao được áp dụng tốt vào trong thực tế sản xuất. Đặc biệt trên địa bàn đã xuất hiện các đại lý thu mua về nhung hươu và hươu giống nên người chăn nuôi rất yên tâm sản xuất.
Tại Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Phương Nam, sự thành công của dự án "ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Xây dựng dây chuyền sản xuất vôi ngậm nước Ca(OH)2 chất lượng cao" đã giúp đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Ông Đinh Hoài Nam, chủ nhiệm dự án cho biết: Trong thời gian 18 tháng (từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016), Công ty đã đầu tư, nâng cấp, cải tiến dây chuyền sản xuất vôi ngậm nước có công suất 12.000 tấn/năm và chạy thử nghiệm 3 đợt trên dây chuyền mới với tổng sản phẩm thu được trên 200 tấn vôi đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Phương Nam là đơn vị đầu tiên của tỉnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng dây chuyền sản xuất Vôi ngậm nước chất lượng cao.
Đặc biệt, đây là dây chuyền tự chế tạo, lắp đặt và vận hành đầu tiên tại Việt Nam với nhiều ưu điểm: giảm công lao động, tiết kiệm năng lượng, giảm tỷ lệ phế phẩm, giảm diện tích nhà xưởng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất cao, sản phẩm có chất lượng tốt, ổn định, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Sau khi dự án kết thúc, Công ty đã phát huy tính ưu Việt của dự án và đạt công suất thiết kế ngay trong năm đầu tiên đưa vào khai thác.
Hiện nay sản phẩm vôi ngậm nước chất lượng cao của Công ty đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường các nước: Philipin, Indonexia, Trung quốc. Sản lượng sản xuất đạt 12.000 tấn/năm, doanh thu bình quân của Công ty tăng từ 20-30%/năm, chi phí đầu vào giảm và hiệu quả sản xuất tăng lên.
Đầu tư các đề tài, dự án có trọng tâm, không dàn trải
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 307 nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai thực hiện, trong đó có 28 nhiệm vụ hỗ trợ và 279 đề tài, dự án. Nhìn chung các đề tài, dự án đã giảm dần về số lượng, tăng về chất lượng và từng bước khắc phục sự dàn trải trong nghiên cứu khoa học. Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học công nghệ trong giai đoạn này gần 94 tỷ đồng, trung bình mỗi đề tài, dự án được ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ hơn 305 triệu đồng.
Các đề tài, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như trong nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiến tiến vào sản xuất, triển khai các mô hình nông nghiệp tiên tiến theo chuỗi giá trị, dự án sản xuất rau quả, thực phẩm sạch theo hướng hữu cơ, VietGap, sản xuất tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Trong phát triển công nghiệp đã hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã nghiên cứu, thiết kế, đa dạng hóa các sản phẩm mới thay thế cho hàng nhập ngoại.
Đồng thời, các đề tài, dự án đã nâng cao kiến thức hội nhập thông qua sự hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề có hàng hóa truyền thống xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, ngoài các đề tài dự án khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh đã triển khai khá sát thực tế và mang tính ứng dụng cao, vẫn còn có những đề tài, dự án hiệu quả mang lại thấp và việc ứng dụng, mở rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống còn khó khăn, hạn chế.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nguyên nhân chính là do kinh phí sự nghiệp khoa học phân bổ cho các đề tài, dự án những năm trước đây còn dàn trải, một số đề tài, dự án có kinh phí đầu tư thấp nên quy mô triển khai nhỏ, phạm vi nghiên cứu hẹp. Vẫn còn một số đề tài, dự án trong khâu lựa chọn còn có sự nể nang, việc lựa chọn không chặt chẽ đẫn đến chất lượng, hàm lượng khoa học của đề tài, dự án không cao.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ tập trung tham mưu, lựa chọn đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải kinh phí.
Đồng thời, đơn vị đề nghị tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách bắt buộc các cơ quan đề xuất đặt hàng đề tài, dự án khoa học công nghệ thực hiện bố trí kinh phí cho việc triển khai nhân rộng để các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng kịp thời, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Giáng Hương