Hơn 10 năm gần đây, vùng NTTS nước lợ huyện Kim Sơn được tỉnh quan tâm đầu tư nên diện tích và sản lượng nuôi trồng ngày càng tăng. Nếu như năm 2007, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ven biển của Ninh Bình mới đạt gần 2.500 tấn, thì đến năm 2013 sản lượng thủy sản ước đạt trên 16.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn vùng hiện nay là 2.758 ha, tăng hơn 200 ha so với năm 2012, trong đó diện tích nuôi tôm của xã Kim Đông tăng 92,1 ha.
Đặc biệt, trong NTTS nước lợ, tỉnh ta đã bước đầu thực hiện thành công khâu sản xuất và chủ động được một phần giống cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản ven biển. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 trại giống tham gia sản xuất, năm 2013 đã sản xuất được trên 1.000 triệu con giống các loại (trong đó cua xanh 2 triệu con, cá bớp giống 0,86 triệu con, ngao 600 triệu con, hàu 400 triệu con). Các trại sản xuất đã làm chủ được quy trình, kỹ thuật sản xuất giống, đang dần hoàn thiện công nghệ và thử nghiệm một số loài mới có giá trị kinh tế (cá đối mục, cá mú) để đa dạng đối tượng, đáp ứng nhu cầu của vùng nuôi.
Để đạt được kết quả đó, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng vùng NTTS như giao thông, thủy lợi, đê điều, tỉnh ta đã khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm mục đích tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Trên cơ sở đó, ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản và các hộ dân triển khai các đề tài, dự án, sáng kiến khoa học công nghệ trong lĩnh vực NTTS nước lợ. Đồng thời đi tham quan, học tập các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ NTTS nước mặn, lợ ở một số tỉnh.
Từ năm 2008 trở lại đây, một số dự án khoa học công nghệ đã được triển khai đạt kết quả khả quan, góp phần làm tăng hiệu quả NTTS theo hướng ổn định. Điển hình như các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giống ngao tại xã Kim Hải và xã Kim Trung đã sản xuất được 56 triệu con ngao cám. Kết quả bước đầu đã chủ động sản xuất giống tại chỗ cung cấp cho vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu diện tích thả nuôi ngao và cải thiện năng suất nuôi ngao tại vùng bãi bồi Kim Sơn.
Dự án ương nuôi ngao tại vùng Cồn Nổi đã ương nuôi được 85 triệu con ngao giống và hiện nay đang nhân rộng nuôi ngao tại bãi triều huyện Kim Sơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác. Hay sáng kiến "Nuôi cá bống bớp thương phẩm sử dụng thức ăn tự chế thay thế thức ăn tươi sống" tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có tính khả thi cao, dễ áp dụng, có thể nhân rộng trong vùng, sản lượng đạt từ 1,2-1,5 tấn/ha.
Mặc dù NTTS nước lợ, nước mặn vùng ven biển Kim Sơn có tiềm năng rất lớn nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng đối với một số loài thủy sản nước lợ đặc trưng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng... Nguyên nhân do người nuôi còn thiếu kiến thức, kỹ thuật, sản xuất còn mang tính tự phát, theo kinh nghiệm, dẫn đến ô nhiễm môi trường, hiệu quả sản xuất thấp.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vùng nuôi còn hạn chế, số lượng đề tài, dự án được triển khai trong lĩnh vực này còn rất ít. Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Ao nuôi rò rỉ, đào đắp sơ sài, mức nước thấp, các trang thiết bị phụ trợ không có...). Thời tiết diễn biến phức tạp cùng với việc chăm sóc, quản lý môi trường nuôi chưa tốt nên đã xảy ra hiện tượng thủy sản bị chết. Sản xuất giống vẫn yếu kém kéo dài, sản xuất con giống không đạt kế hoạch, con giống nuôi chủ yếu nhập từ các tỉnh bên ngoài vào nên khó khăn trong công tác kiểm dịch.
Những khó khăn hiện nay mà NTTS nước lợ đang gặp phải cần có những giải pháp cụ thể và triển khai đồng bộ cả về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, lẫn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, con giống...
Tại hội nghị bàn về việc phối hợp, trao đổi nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hải sản và nghề cá tại Ninh Bình, ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với tư cách là ngành quản lý, Sở Nông nghiệp và PTNT mong muốn có sự phối kết hợp nhịp nhàng với Sở Khoa học và Công nghệ, các trung tâm, viện nghiên cứu về thủy hải sản để chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho bà con nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trước mắt, cần tập trung giải quyết những khó khăn về kiến thức, kỹ thuật nuôi cho người dân và thực chuyển giao công nghệ nuôi một số đối tượng như: Nuôi hàu ghép với tôm he ở vùng cửa sông để cải tạo môi trường ao nuôi, công nghệ sản xuất ngao cám, cá song...; công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi...
Về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn cho biết: Những năm gần đây doanh nghiệp đã tích cực áp dụng và nhận chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất giống một số đối tượng chính như tôm sú, cua xanh, ngao. Việc tiếp nhận công nghệ đã giúp doanh nghiệp sản xuất được nhiều con giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho vùng nuôi thủy sản. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về con giống toàn vùng, doanh nghiệp mong muốn được tỉnh, huyện hỗ trợ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, vốn đầu tư, đồng thời tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ một số đối tượng mới như sò huyết, cá tráp vây vàng hay các đối tượng đang bị mất giống như cá lác, cá roòng, cá nhậu, cá mòi...
Theo ông Vũ Đức Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong lĩnh vực NTTS nước lợ, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các trung tâm, viện nghiên cứu (trong đó có Viện nghiên cứu Hải sản) khảo sát thực tế, xác định vùng nuôi, lựa chọn con nuôi phù hợp để xây dựng mô hình hiệu quả, sau đó đầu tư nhân ra diện rộng, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả. Việc lựa chọn các con nuôi để chuyển giao công nghệ phải đảm bảo tính đặc trưng riêng của địa phương, nhưng có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành thủy, sản của tỉnh.
Như vậy, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển NTTS nước lợ theo hướng bền vững, tỉnh ta cần có các chính sách hỗ trợ, đầu tư hơn nữa cho vùng nuôi; cần lựa chọn các giải pháp đầu tư khoa học công nghệ phù hợp; các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống cần phát huy hơn nữa nội lực đẩy mạnh sản xuất con giống và phải có trách nhiệm đối với sản phẩm cung cấp cho thị trường; đối với người nuôi cần nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học công nghệ trong xử lý môi trường nuôi, chọn giống bảo đảm chất lượng, chế độ chăm sóc, dịch bệnh... để phát triển NTTS nước lợ bền vững.
Hồng Giang