Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua Ninh Bình đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; chất lượng nguồn nhân lực CNTT được tăng lên. Công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng, các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh vận hành ổn định, an toàn phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Xác định hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng CNTT, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện quan tâm đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị. Đến nay, 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN và được kết nối đường truyền Internet băng thông rộng để phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ, chuyên ngành; hạ tầng mạng truyền dẫn hiện đã được kết nối tới thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang.
Cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, việc ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp được quan tâm triển khai thực hiện, trong đó chú trọng triển khai hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh; ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử. Đến nay, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã với 8.651 tài khoản người dùng, trong đó có 7.591 người dùng thường xuyên sử dụng, đạt tỷ lệ 88%. Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức đã được nâng cấp, bổ sung tính năng, đáp ứng việc gửi-nhận văn bản điện tử nội tỉnh và liên thông với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh qua Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Để triển khai việc ứng dụng chữ ký số trong việc gửi-nhận văn bản điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cung cấp cho các cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình 1.435 chứng thư số (1.019 chứng thư số cá nhân và 416 chứng thư số tổ chức; trong đó cấp xã: cấp 165 chứng thư số cá nhân, 137 chứng thư số tổ chức). Hiện đã có 16/26 đơn vị đã thực hiện chữ ký số của tổ chức; 3/26 đơn vị đã thực hiện đầy đủ chữ ký số cá nhân là lãnh đạo.
Đồng chí Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Là huyện miền núi, địa bàn rộng nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính là rất quan trọng nhằm giảm thiểu thời gian, tránh gây phiền hà cho người dân và các tổ chức, cá nhân. Không những thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giảm thời gian cho chính đội ngũ cán bộ, công chức. Để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, Nho Quan tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã, nhất là đội ngũ công chức, viên chức đã lớn tuổi, giúp họ có khả năng tiếp cận, từng bước chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang ứng dụng CNTT trong công việc. Hiện nay, 100% xã, thị trấn đều kết nối Internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng. Từ 1/7/2019, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện rất mất thời gian, thì nay chỉ mất vài động tác nhấp chuột là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo, ngược lại cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở. Việc ứng dụng CNTT, nhất là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến giúp cho công tác giải quyết TTHC nhanh hơn. ứng dụng CNTT cũng giúp cho việc kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết TTHC tốt hơn, không để xảy ra trễ hạn trong giải quyết TTHC.
Ninh Bình cũng là một trong những địa phương sớm triển khai hệ thống cổng dịch vụ công (một cửa điện tử) cho các cơ quan, đơn vị. Đến nay, toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành, 8 UBND huyện, thành phố và 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, với tổng số 2.816 thủ tục hành chính (trong đó, mức độ 1, mức độ 2 là 1.729 thủ tục, mức độ 3 là 753 thủ tục, mức độ 4 là 334 thủ tục và 5 thủ tục hành chính liên thông). Việc đưa hệ thống một cửa điện tử vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân, bước đầu hình thành nhận thức và thói quen ứng dụng CNTT trong thực hiện CCHC. Từ năm 2017 đến nay, tổng số hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh là 223.915 hồ sơ, trong đó có 8.661 hồ sơ trực tuyến. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019 đã có tổng số 3.622 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Cùng với đó, các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, số điện thoại, địa chỉ hòm thư tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị theo quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên trang thông tin điện tử để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ tra cứu và thực hiện.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTTđã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp 4.0.
Mai Lan