Tính đến ngày 31-10-2016, trên hệ thống kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đã có 79.419 văn bản được trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có 60.315 văn bản đến và 19.104 văn bản đi.
Một số đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc thực hiện trao đổi văn bản và chỉ đạo điều hành qua mạng như: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư, Sở Y tế...
Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong việc cung cấp các thông tin về hoạt động, điều hành, cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các chế độ, chính sách nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh, 25/26 đơn vị đã có trang thông tin điện tử cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của đơn vị với mức độ 1 và 2; có 5/25 đơn vị đã cung cấp được một số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Công thương...Tổng số dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị là 1.444/1.598 thủ tục.
Hiện tại, Bộ phận một cửa, một cửa liên thông của một số sở, UBND các huyện, thành phố đã được đầu tư thiết bị, hạ tầng CNTT đáp ứng các yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT vào hoạt động tại bộ phận, trong đó UBND thành phố Ninh Bình là đơn vị ứng dụng hiệu quả việc sử dụng phần mềm thuận tiện trong việc tiếp nhận hồ sơ, quản lý, theo dõi và xử lý hồ sơ; tiết kiệm cho đơn vị về thời gian và chi phí để chi trả cho việc in ấn, mua sắm giấy, mực, tem thư; khắc phục được tình trạng hồ sơ, giấy tờ bị thất lạc, đến và đi chậm; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh cũng có 62 hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) được triển khai từ các Bộ, ngành Trung ương và một số đơn vị tự triển khai...
Việc ứng dụng HTTT, CSDL vào công tác quản lý chuyên ngành của các đơn vị đã mang lại lợi ích nhất định, giảm thiểu chi phí đi lại, in ấn tài liệu, thông tin được công khai, minh bạch, việc lưu trữ thông tin nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện.
Hạ tầng CNTT tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong năm cũng đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn tỉnh đạt 93%; 100% đơn vị được kết nối Internet bằng băng thông rộng và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; số máy chủ tại các cơ quan nhà nước là 62 máy; tổng số máy trạm của các cơ quan nhà nước là 2.215 máy.
Hệ thống mạng truyền dẫn hiện đã kết nối và lắp đặt thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang. Một số đơn vị đã đầu tư, trang bị các thiết bị của đơn vị Router, firewall phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản trong công tác chỉ đạo điều hành của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế.
Việc thực hiện liên thông gửi/nhận văn bản từ Văn phòng UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và ngược lại chưa thực hiện thường xuyên (chủ yếu là UBND tỉnh gửi đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố) và UBND các huyện, thành phố đã triển khai liên thông văn bản xuống các xã, phường, thị trấn còn ở mức độ hạn chế.
Số lượng truy cập vào các trang thông tin điện tử còn thấp, nội dung thông tin, bài viết về hoạt động của đơn vị chưa phong phú và một số đơn vị chưa bố trí được kinh phí để chi trả nhuận bút cho Ban biên tập, người cung cấp tin, bài.
Hầu hết UBND các huyện, thành phố đã được đầu tư, xây dựng phần mềm một cửa điện tử; nhưng chưa được nâng cấp để đáp ứng theo các quy định nghiệp vụ, quy trình xử lý hồ sơ.
Đội ngũ cán bộ làm công tác CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh chủ yếu vẫn là bán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm với số lượng, trình độ CNTT còn hạn chế. Người dân và doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ hành chính trên môi trường mạng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CNTT cho đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT của các đơn vị chưa được thường xuyên. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT ở các cấp, các ngành còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại cấp cơ sở...
ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Để làm được điều này, cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (đặc biệt là hệ thống một cửa điện tử các sở, ngành, hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thư điện tử công vụ…).
Khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng CNTT đã đầu tư; tiếp tục kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống một cửa điện tử từ Trung ương đến cấp xã theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đưa chỉ tiêu ứng dụng CNTT vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đinh Chúc