Bước đầu thay đổi về nhận thức Vừa trở về từ chuyến đánh bắt thủy sản, ngư dân Trần Văn Trung, xóm 5, xã Kim Đông (Kim Sơn) tranh thủ thời gian cùng trao đổi với các thuyền viên về Luật Thủy sản mới. Anh Trung chia sẻ: Từ năm ngoái, anh cùng các thuyền viên khác đã được Chi cục Thủy sản tập huấn, phát tờ rơi và trực tiếp lên thuyền để tuyên truyền về Luật Thủy sản mới.
Qua lớp tập huấn, anh biết thêm những điểm mới trong Luật Thủy sản năm 2017, đáng chú ý như: Việc khai thác nguồn lợi thủy sản không được tùy tiện như trước nữa mà phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Điều này có nghĩa là những tàu khai thác như của anh giờ đây bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.
Bên cạnh đó, Luật Thủy sản mới chuyển việc quản lý tầu cá từ công suất sang chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên tham gia khai thác phải có giấy phép, tầu từ 12 m phải thực hiện đăng kiểm, tầu từ 24 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ngoài ra, các ngư cụ như: lưới kéo, lồng xếp, đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm… cũng không được sử dụng nữa. "Tôi và những ngư dân trong vùng làm nghề lồng xếp nhiều năm nay rồi. Cuộc sống mưu sinh của cả gia đình phụ thuộc vào nghề này nhưng bản thân tôi cũng nhận thấy là loại phương tiện khai thác này không có tính chọn lọc, lâu dài sẽ dẫn tới cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Do vậy, thực hiện chủ trương của Nhà nước, anh em ngư dân chúng tôi đã bảo nhau sang huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định để học nghề mới là nghề lưới bén, từ đó dần dần chuyển đổi phương thức khai thác. Mục tiêu cuối cùng là vừa thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, vừa đảm bảo thu nhập cho gia đình", anh Trung nói.
Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung quy định. Tổ chức 2 hội nghị cấp tỉnh và nhiều hội nghị cấp huyện nơi có hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản để tuyên truyền, phổ biến về Luật, trong đó có cả các nội dung hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ quản lý cũng như ngư dân.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng đã thực hiện rà soát, thống kê số lượng tàu cá; hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định về nghề cấm, ngư cụ cấm khai thác thủy sản; kiểm tra, kiểm soát tàu cá…
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết: Qua một năm triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bà con tự giác tổ chức các tổ đội sang huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định để học hỏi nghề khai thác mới, từ đó chuyển dần từ nghề lồng xếp đã bị cấm sang nghề lưới bén. Người dân cũng có ý thức không mua bán những tàu cá bên ngoài tỉnh để hoạt động ven bờ, chủ động bố trí các chuyến biển để về đăng kiểm tàu. Riêng đối với các tàu khai thác ngoài khơi, 100% đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo đúng theo quy định.
Còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện
Luật Thủy sản năm 2017 là "bước ngoặt" quan trọng chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng bối cảnh các thị trường thế giới đang đặt ra nhiều rào cản kĩ thuật cho ngành Thủy sản Việt Nam. Luật có nhiều điểm mới như: Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương; quy định về quản lý tàu cá và quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá; luật hóa các nội dung liên quan IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định), trong đó có khuyến nghị của EC đối với thủy sản Việt Nam.
Theo đó, sau khi luật có hiệu lực, tất cả các thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương. Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Luật Thủy sản năm 2017 cũng bổ sung quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác…
Mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp&PTNT đã ban hành 2 nghị định, 8 thông tư hướng dẫn thực hiện nhưng trong thực tế, việc tuyên truyền, phổ biến, đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào thực tiễn vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh ta còn thô sơ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế khi chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Thủy sản trong khai thác, đánh bắt thủy sản.
Bên cạnh đó, theo quy định thì trên cơ sở hạn ngạch Bộ Nông nghiệp&PTNT giao, UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ tổ chức cấp phép hạn ngạch cho các tàu thuyền khai thác trong phạm vi mình quản lý. Tuy nhiên, thực tế tỉnh ta chưa thực hiện được việc điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản, dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ.
Ngoài ra, việc cấm triệt để các nghề lưới kéo, lồng xếp, đăng, đáy, te, xiệp theo Thông tư số 19 của Bộ Nông nghiệp&PTNT đang gây rất nhiều khó khăn đối với ngư dân. Vì đây là những nghề truyền thống, là sinh kế lâu đời của ngư dân nên muốn chuyển đổi không thực hiện trong ngày một ngày hai, cần có các chính sách hỗ trợ về vốn, về đào tạo nghề từ phía Nhà nước…
Một lần nữa vẫn phải khẳng định việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản đến với người dân vùng biển, thì Ninh Bình cũng cần xây dựng và rà soát lại các kế hoạch, chủ trương, thống nhất lại cách thực hiện sao cho phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong giai đoạn hiện nay để người dân chuẩn bị điều kiện thực hiện theo quy định.
Hà Phương