Theo thông báo của Bộ Y tế, thời gian gần đây, bệnh dại ở người đã gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Nguyên… đã có 81 người chết do chó dại cắn.
Trên địa bàn tỉnh ta, số người bị chó cắn phải đi tiêm phòng từ năm 2012 đến nay là 1.463 người (trong đó: năm 2012 là 813 người, 7 tháng đầu năm 2013 là 650 người). Tuy nhiên, sau nhiều năm không xuất hiện bệnh dại ở người đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong người dân dẫn đến việc lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dại, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó, mèo rất thấp: Số lượng chó nuôi trên địa bàn tỉnh ta năm 2012 khoảng 92.500 con và năm 2013 là 85.000 con. Trong khi đó, số lượng chó đã được tiêm phòng năm 2012 chỉ là 22.011 con (chiếm 23,8%) và năm 2013 là 26.150 con (chiếm 30,8%). Đặc biệt, một số địa phương tỷ lệ tiêm phòng thấp như huyện Gia Viễn 16,4%, huyện Yên Mô 16,8% và huyện Kim Sơn 13%.
Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù không gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng bệnh dại lại gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Bởi vậy, trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại ở người và động vật, ngay từ đầu năm, ngành Thú y đã triển khai tiêm phòng đại trà vụ xuân hè vắc xin dại Rabisin cho đàn chó, mèo. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do ý thức chủ quan của người dân sau nhiều năm dịch bệnh không xuất hiện, trong khi tỉnh không có chính sách hỗ trợ vắc xin và chưa có các chế tài bắt buộc người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn chiếu lệ, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo tiêm phòng. Chính vì vậy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo còn rất hạn chế.
Tại thị xã Tam Điệp nơi có đàn chó nuôi khoảng 5.000 con, năm 2012 tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại chỉ là 14%, nhưng sang năm 2013 tỷ lệ tiêm phòng bệnh này đã nâng lên 98%. Chị Nguyễn Thị Nhung, Trạm trưởng Trạm Thú y Tam Điệp chia sẻ: Có được kết quả trên là do năm nay Trạm đã tập trung quyết liệt cho công tác này. Trước đợt tiêm phòng, Trạm đã họp với đội ngũ thú y cơ sở, phân công cán bộ chỉ đạo điểm trực tiếp xuống cơ sở thực hiện ráo riết và giám sát công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi; soạn hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, viết bài tuyên truyền cho các xã phát trên hệ thống truyền thanh để người dân nắm được nguy hại của bệnh dại… Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo trong cộng đồng tăng lên đáng kể, ngày càng có nhiều chủ hộ nuôi chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ thú y xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp cho biết thêm: Muốn triển khai tốt công tác tiêm phòng, trước tiên phải được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền cơ sở. ở Yên Sơn, công tác tiêm phòng dại được chỉ đạo rất quyết liệt. Theo đó, xã giao cho công an viên phối hợp với thú y đến từng hộ, gia đình, nếu hộ nào chống đối không tiêm phòng sẽ bắt chó không cho nuôi. Do vậy, nhiều năm liền tỷ lệ tiêm phòng dại trên địa bàn xã luôn đạt trên 80%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay việc triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh dại ở nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa thông suốt. Rất nhiều người không đưa chó đi tiêm phòng dại và chính quyền nhiều nơi cũng làm ngơ việc kiểm tra. Về vắc xin tiêm dịch vụ phòng dại ở người, do chi phí khá cao (khoảng 150 nghìn đồng/mũi) nên có nhiều người bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT có Công điện khẩn số 13/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Đề nghị các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc khẩn trương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành có liên quan của địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt, nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan bệnh dại, giảm thiểu người bị chó cắn và tử vong.
Đông thời tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt, tuyên truyền nhân dân giám sát, phát hiện và báo cho chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý; đồng thời yêu cầu chủ vật nuôi phải tổ chức quản lý chó, không để thoát lọt ra ngoài; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt; tiêm phòng vắc xin dại chó, mèo; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn. Các địa phương tổ chức rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và kết quả tiêm phòng dại; củng cố hệ thống báo dịch, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật.
Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thú y đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dại. Trong đó, tổng hợp tình hình nuôi chó trên địa bàn và kết quả tiêm phòng vắc xin dại cũng như tình hình người nghi bị chó dại cắn và năm 2014, Chi cục sẽ triển khai tiêm phòng dại miễn phí cho các hộ nghèo theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hà Phương