Việc tiêm phòng vụ thu đông 2016 được thực hiện từ ngày 15-9 đến 30-10. Phạm vi tiêm phòng: Đối với đàn trâu bò, tiêm vắc xin tụ huyết trùng, riêng vắc xin lở mồm, long móng (LMLM) triển khai tiêm ở những nơi có ổ dịch cũ hoặc nơi có nguy cơ phát bệnh cao và trong vùng đệm của chương trình khống chế và thanh toán bệnh LMLM. Tiêm vắc xin dịch tả, tụ dấu lợn cho toàn bộ đàn lợn ở độ tuổi tiêm phòng và lợn đã được tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch; tiêm vắc xin LMLM, tai xanh (PPRS) cho đàn lợn nái, đực giống; vắc xin phó thương hàn cho lợn con, lợn nái. Vắc xin cúm gia cầm, tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà.
Chúng tôi đến thăm trại lợn của ông Phạm Quan Dân, thôn Hòa Bình, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn đúng lúc nhân viên thú y cơ sở đến tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình. Ông Dân cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi hơn 30 con lợn thịt. Năm nào cũng vậy, mỗi khi huyện triển khai tiêm phòng dịch, gia đình tôi đều chấp hành nghiêm bởi tiêm vắc xin là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Hơn nữa, Nhà nước lại hỗ trợ vắc-xin nên gia đình tôi rất yên tâm. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm sóc, tiêm phòng định kỳ nên gần 10 năm chăn nuôi nhưng chưa bao giờ đàn lợn của gia đình tôi bị dịch bệnh. Gia đình ông Dân là một trong hàng trăm hộ chăn nuôi tại xã Gia Tân đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gia súc.
Chị Nguyễn Thị Huế, cán bộ chăn nuôi và thú y xã Gia Tân chia sẻ: Đàn lợn của xã hiện nay có gần 2.500 con, gia cầm có 10.500 con và trâu bò khoảng 160 con. Do đa phần các hộ đều chăn nuôi ở quy mô nhỏ, bên cạnh những hộ có nhận thức tốt thì một số hộ nuôi vẫn không có ý thức trong phòng, chống dịch, tự ý dùng thuốc không đúng liều lượng, tiêm phòng không đúng thời điểm hoặc không chịu tiêm phòng. Do vậy, mỗi chiến dịch tiêm phòng, cán bộ thú y cơ sở ngoài việc đi tiêm còn phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho bà con từ cách vệ sinh, bố trí chuồng trại cho đến các biện pháp khử trùng tiêu độc… Hiện nay, chúng tôi đang tiêm phòng vắc-xin dịch tả, tụ dấu cho đàn lợn, tụ huyết trùng cho đàn trâu bò, cúm gia cầm cho đàn vịt… Tỷ lệ đạt khoảng 50-60% tổng đàn trong xã, phấn đấu đến cuối tháng 10 này sẽ hoàn thành.
Được biết, trước khi tiến hành tiêm phòng vụ thu đông năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT các địa phương tổ chức thống kê số gia súc, gia cầm thuộc địa bàn quản lý để đăng ký số lượng và chủng loại vắc xin. Đến nay, Chi cục đã cấp cho các huyện, thành phố trên 2,3 triệu liều vắc xin các loại như: LMLM, dịch tả lợn, cúm gia cầm. Sau khi nhận được vắc xin, các địa phương đã triển khai ngay việc tiêm phòng. Tính đến ngày 7-10, tỷ lệ tiêm vắc xin LMLM đã đạt gần 70% kế hoạch; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò đạt 24%; vắc xin cúm gia cầm đạt trên 74%... Một số địa phương có tiến độ tiêm phòng nhanh, tỷ lệ cao như: Gia Viễn, Yên Khánh.
Hiện nay, cán bộ nông nghiệp, thú y viên của các xã, thị trấn và thú y thôn, bản vẫn đang tích cực đến từng gia đình để triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do đợt tiêm phòng này trùng với thời điểm thu hoạch lúa mùa nên một số địa phương, hộ gia đình vẫn lơ là, chưa chỉ đạo quyết liệt và thực hiện tốt việc tiêm phòng. Để công tác tiêm phòng đạt kết quả tốt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kế hoạch tiêm phòng để nhân dân hiểu rõ lợi ích, tác dụng của việc tiêm phòng, nắm được chủ trương, thời gian và tự giác thực hiện. Đồng thời, phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc việc tiêm phòng. Chi cục yêu cầu Trạm Thú y các huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đúng thời gian, đúng đối tượng; quản lý tốt công tác tiêm phòng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này thông qua việc nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mạng lưới cán bộ thú y cơ sở. Thường xuyên cập nhật tiến độ tiêm và báo cáo kết quả nhanh cho Chi cục để Chi cục nắm bắt chỉ đạo, kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra. Số lượng vắc xin đã sử dụng và tồn kho cũng phải được báo cáo đầy đủ. Bên cạnh triển khai tốt công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm thu đông, Chi cục Thú y tỉnh cũng chỉ đạo các Trạm Thú y tiến hành song song các biện pháp để quản lý tốt đàn gia súc, gia cầm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, quản lý giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tới tận thôn, xóm, hộ gia đình.
Bài, ảnh: Hà Phương