Theo thông tin của Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện Ninh Bình có 7 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 1.472 ha, trong đó 5 KCN đã xây dựng và đi vào hoạt động (gồm KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Phúc Sơn, KCN Tam Điệp I, KCN Phúc Sơn). Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Ban quản lý các KCN tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghiệp sạch công nghệ cao, công nghiệp điện tử.... Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư.
Ông Hoàng Đức Long, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, 5 năm qua, hoạt động thu hút đầu tư vào KCN đã đạt được kết quả khả quan, xu hướng đầu tư chuyển dịch từ sử dụng nhiều lao động sang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ lấp đầy các KCN gần như đạt 100% diện tích, trong đó KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Phú, KCN Tam Điệp I và KCN Khánh Cư đã lấp đầy 100%, KCN Phúc Sơn tỷ lệ lấp đầy trên 75%. Từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.877 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 103 lượt dự án, trong đó có 30 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng là 8.578 tỷ đồng. Bình quân trong 5 năm qua thu hút được 6 dự án mới/năm, tổng mức đầu tư đăng ký thu hút bình quân hàng năm hơn 3.100 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đa phần có quy mô lớn, tổng mức đầu tư bình quân của 1 dự án đạt trên 512 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng tỉnh đã cấp mới cho 1 dự án với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 522 tỷ đồng và hiện nay đang hoàn chỉnh thủ tục để cấp mới cho 2 dự án với mức đầu tư đăng ký trên 170 tỷ đồng. Như vậy tính đến nay, tổng số dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực trong các KCN của tỉnh là 113 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 61.353 tỷ đồng, vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 51.000 tỷ đồng (chiếm 83% vốn đầu tư đăng ký), trong đó có 28 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 526,44 triệu USD.
Các doanh nghiệp trong các KCN sau khi được đầu tư đã cơ bản đi vào hoạt động ổn định, doanh thu trong giai đoạn 2016-2020 có mức tăng trưởng cao. Đến hết năm 2019 doanh thu của các doanh nghiệp đạt 9.771 tỷ đồng, tăng gấp 3,19 lần so với năm 2016; thu ngân sách chiếm 64% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 2.160 triệu USD, gấp 2,65 lần so với năm 2016, chiếm tỷ lệ 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho 43.000 lao động với mức thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Đức Long đánh giá, các chỉ số về tốc độ lấp đầy KCN, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án trong các KCN tỉnh Ninh Bình được đánh giá ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực. Từ những kết quả đó, có thể khẳng định công tác thu hút đầu tư vào các KCN đã thực sự đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm vừa qua. Để tiếp tục giữ vững và phát huy tốt việc kêu gọi các nhà đầu tư vào KCN trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác xúc tiến đầu tư. Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hàng chính, đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa liên thông" với các sở, ban, ngành trong việc tiếp nhận dự án đầu tư vào các KCN. Chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan và rút ngắn thời gian thực hiện trên thực tế. Đồng thời, Ban phối hợp thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, đất đai, nhân lực... đối với các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng tới phát triển du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai theo đúng định hướng của tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN. Tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong các KCN và kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bài ảnh: Hồng Giang