Tính đến hết tháng 10, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH, TCTD) đạt 79.948 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHTM, NHHTX, QTDND, NHCSXH) đạt 75.211 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Hệ thống các NH, TCTD trên địa bàn đã tập trung cho vay các chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của tỉnh và của Ngân hàng cấp trên.
Theo đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các NH, TCTD đạt 26.030 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm, chiếm 35,7% tổng dư nợ các Chi nhánh NHTM, NHHTX, QTDND. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 16.350 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm, chiếm 20,5% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 1.208 tỷ đồng, tăng 27,1% so với đầu năm, chiếm 1,6%/tổng dư nợ của các Chi nhánh NHTM, NHHTX, QTDND.
Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.530 tỷ đồng, tăng 16,4% so với đầu năm, chiếm 19,3%/tổng dư nợ của các Chi nhánh NHTM, NHHTX, QTDND. Dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 301 tỷ đồng, tăng 20,4% so với đầu năm, chiếm 0,4%/tổng dư nợ của các Chi nhánh NHTM, NHHTX, QTDND. Dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 1.305 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, chiếm 1,7%/tổng dư nợ của các NHTM, NHHTX, NHCSXH, QTDND. Dư nợ cho vay chính sách ước đạt 2.365 tỷ đồng/93.815 hộ, tăng 7,2%/1.921 hộ so với ngày 31/12/2018.
Đi đôi với tăng trưởng, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc quản lý nợ xấu. Tổng nợ xấu của các NH, TCTD đến hết tháng 10 là 5.000 tỷ đồng. Trong đó: nợ xấu của các NHTM, NHHTX, NHCSXH, QTDND là 1.049 tỷ đồng, chiếm 1,4%/tổng dư nợ của các NHTM, NHHTX, NHCSXH, QTDND; nợ xấu của Ngân hàng Phát triển là 3.958 tỷ đồng, chiếm 84%/tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển, trong đó hầu hết là nợ xấu từ khoản nợ vay của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và dự án Thủy điện Sông Lô.
Với mục tiêu tăng trưởng chất lượng năm 2019 của toàn ngành ngân hàng là 16%, thì khả năng đạt và vượt chỉ tiêu là nằm trong khả năng của nhiều ngân hàng. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các chi nhánh NH, TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn; thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn; điều chỉnh hợp lý cơ cấu và kỳ hạn nguồn vốn; sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất, khuyến khích người gửi tiền; mở rộng mạng lưới huy động vốn; ứng dụng các dịch vụ, tiện ích Ngân hàng tiên tiến, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt... nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi tại địa bàn.
Về đầu tư tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NH, TCTD bám sát mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng cấp trên giao, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kế hoạch hoạt động của ngân hàng Ninh Bình để đầu tư tín dụng kịp thời, có hiệu quả.
Đi đôi với tăng trưởng tín dụng cần tập trung ưu tiên kiểm soát chất lượng tín dụng. Ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Tích cực triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp và hạn chế tín dụng đen. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất- kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa, đề nghị bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp với trọng tâm là rà soát và thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong ngành Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm