Trong đó, nhiều giống lúa cao sản, lúa chất lượng cao như Phú ưu 1, Phú ưu 978, CNR5014, Thục hưng 6, My Sơn, LT2, Bắc thơm 7, QR1… được đông đảo nông dân đưa vào thâm canh. Qua thực tiễn sản xuất cho thấy, các giống lúa lai cao sản năng suất đạt cao, trung bình 65 - 67 tạ/ha, thu nhập đạt khoảng 26 - 27 triệu đồng/ha, chi phí sản xuất khoảng 29,5 triệu đồng/ha. Đối với các giống lúa thuần chất lượng cao có năng suất 55 - 56 tạ/ha/, nhưng thu nhập đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với lúa lai, chi phí sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 18,5 triệu đồng. Trên thị trường, lúa chất lượng cao tiêu thụ dễ và rộng khắp trong cả nước. Từ lợi nhuận đó, lúa chất lượng cao nhanh chóng trở thành loại cây trồng được nhiều nông dân Ninh Bình lựa chọn, áp dụng vào sản xuất.
Để thúc đẩy sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong năm 2009 và 2010, tỉnh ta đã ban hành và thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển lúa cao sản và lúa chất lượng cao, với diện tích hỗ trợ là 20.000 ha/năm, chiếm khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy. Sau 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã gieo cấy được 77.647 ha lúa cao sản và lúa chất lượng cao, vượt so với kế hoạch sản xuất là 37.647 ha, trong đó năm 2009 gieo cấy được 35.175 ha (lúa cao sản là 20.329 ha, lúa chất lượng cao là 14.846 ha), năm 2010 gieo cấy được 42.472 ha (lúa cao sản là 22.770 ha, lúa chất lượng cao 19.702 ha). Chính sách này như lực bẩy tạo điều kiện thuận lợi đưa năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh tăng cao hơn, sản lượng lúa hiện đạt trên 48 vạn tấn/năm, năng suất lúa cả năm đạt trên 11,8 tấn/ha. Tuy nhiên, việc khuyến khích mở rộng diện tích lúa chất lượng cao mới chỉ đạt được hiệu quả ban đầu, còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Để khuyến khích nông dân tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, đảm bảo cho nông dân trong tỉnh sản xuất lúa có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất theo Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh ta tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển, mở rộng đối với lúa chất lượng cao này. Mục tiêu nhằm phát huy tối đa thế mạnh sản xuất nông nghiệp của một tỉnh ta, góp phần tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tỉnh sẽ hỗ trợ duy trì ổn định diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao hàng năm là 30.000 ha (chiếm khoảng 40% diện tích gieo cấy lúa hàng năm), trên địa bàn 8 huyện, thành phố, thị xã. Đối tượng hỗ trợ là các hộ nông dân trực tiếp sản xuất lúa chất lượng cao (loại lúa có giá trị kinh tế cao gấp 1,3 - 1,5 lần trở lên so với lúa lai) trong vùng quy hoạch thuộc các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và lực lượng cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất lúa chất lượng cao.
Đạt được mục tiêu đã đề ra, thiết nghĩ các địa phương cần phải có quy hoạch vùng sản xuất, diện tích sản xuất phải gọn vùng, mỗi vùng chỉ nên bố trí gieo cấy một loại giống, cần ưu tiên sản xuất tại các vùng có hệ thống thủy lợi đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới, tiêu. Trong thâm canh, cần đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ khâu làm đất, bón phân, gieo cấy, tưới nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình, phù hợp với từng loại giống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của từng vùng.
Thanh Thủy