Năm 2007, ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thị xã đã đạt được những kết quả quan trọng trên chặng đường mới. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã năm 2007 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 4 đơn vị sản xuất công nghiệp quốc doanh với 1.184 lao động, 543 cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh với 3.184 lao động. Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Xi măng 805 nghìn tấn, tăng 5%, clinke 600 nghìn tấn, tăng 44%, gạch đỏ 112,5 triệu viên, tăng 17%, sản xuất đậu phụ 136 tấn, tăng 30%, sản xuất giò chả 76 nghìn tấn, tăng 25%.
Thị xã đã quan tâm tới công tác đào tạo, ngay từ những tháng đầu năm thị xã đã giao cho phòng Kinh tế trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp rà soát, nắm bắt nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh và trình độ quản lý doanh nghiệp để từ đó xây dựng kế hoạch, đầu tư mở lớp học nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp. Thị xã đã phối hợp với các phòng, ban chức năng có liên quan tổ chức học nghề chiếu cói cho 45 lao động tại DNTN Thanh Thúy, tổ chức học nghề làm nứa chắp, sơn mài cho 60 lao động tại DNTN Tiến Hùng, tổ chức 2 lớp học nghề sản xuất đồ mộc dân dụng cho 65 lao động tại HTX sản xuất đồ mộc Hội CCB phường Nam Sơn. Ngoài ra, có khoảng 1.000 lao động được đào tạo theo hình thức "vừa học, vừa làm" tại hầu hết các doanh nghiệp.
Nhìn chung, những lao động được đào tạo đều được các doanh nghiệp tuyển vào làm việc hoặc giới thiệu cho các doanh nghiệp khác. Bước đầu công nhân có việc làm ổn định và thu nhập khá. Đến nay thị xã đã có nhiều cá nhân, chủ cơ sở, doanh nghiệp mới được thành lập hoặc mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Điều thuận lợi cho các doanh nghiệp là thị xã mới được điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, du lịch, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển giới thiệu, quảng bá sản phẩm với khách hàng thuận lợi.
Các cơ sở TTCN ngoài quốc doanh có nhiều cơ hội để ký kết hợp tác, liên doanh, làm vệ tinh cho các cơ sở TTCN có quy mô lớn tạo nên sự ổn định bền vững trong quá trình sản xuất, kinh doanh. |
Chế biến dứa xuất khẩu. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công nghiệp - TTCN của Tam Điệp cũng gặp nhiều khó khăn cần giải quyết. Đó là nguồn tài chính của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, không đủ khả năng đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ tiên tiến. Công nghệ lạc hậu, thiếu chuyên gia giỏi về thực hành nghề, ngày công lao động thấp, khó thu hút nhân tài. Ngoài ra, mặt bằng xây dựng, địa điểm sản xuất chưa phù hợp, hạn chế cho việc phát triển, tổ chức sản xuất, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trình độ tổ chức quản lý, điều hành sản xuất của chủ doanh nghiệp còn hạn chế, bộ phận giúp việc trong công tác điều hành sản xuất, xây dựng kế hoạch, hạch toán, kế toán chưa đảm bảo yêu cầu năng lực, chuyên môn.
Khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, thị xã Tam Điệp đã đề ra giải pháp và mục tiêu phấn đấu trong năm 2008 là: Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp, TTCN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 2.232 tỷ đồng, phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: xi măng, clinke, thép xây dựng, đá, gạch… và dự án của tỉnh mở rộng Cụm công nghiệp Tam Điệp. Tạo điều kiện để các cơ sở ổn định sản xuất, kinh doanh. Định hướng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ gia đình, các tổ chức có khả năng thành lập doanh nghiệp để sản xuất các mặt hàng TTCN cao cấp như: thêu ren, chiếu cói, mây tre đan, nứa chắp, đồ gỗ mỹ nghệ để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Thị xã còn quan tâm tới công tác đào tạo những lao động có tay nghề cao, tổ chức đi học tập, tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề xuất với Sở Công nghiệp, UBND tỉnh quan tâm đầu tư phát triển các mô hình khuyến công, động viên khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp phát triển tốt hơn…
Vân Anh