Thời gian qua, nhu cầu về các sản phẩm thịt trên thị trường tăng, giá bán sản phẩm duy trì cao và ổn định, đặc biệt là chăn nuôi lợn khá thuận lợi do giá lợn hơi tăng đã kích thích người chăn nuôi đầu tư, mở rộng quy mô.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Trước đó, một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi cũng đã đem lại những hiệu quả nhất định, tạo bước đột phá trong sản xuất, được người dân hưởng ứng, tạo đà chăn nuôi phát triển.
Cụ thể như: Thực hiện dự án "Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP trong nông hộ" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, năm 2016, 12.300 liều tinh đã được phối cho đàn nái tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tạo ra đàn lợn con có nhiều ưu thế về trọng lượng, sức đề kháng, chất lượng thịt…
Nhờ chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp lai thụ tinh nhân tạo trên đàn bò mà các giống bò lai tốt cũng đã dần được nhân rộng. Hiện, Ninh Bình có trên 31 nghìn con bò thì có tới 80% đã được Sind hóa.
Sau đó, một số giống bò thịt chất lượng cao lại được đưa vào lai tạo với bò lai Sind như bò Droughmater, Brahman, Angus mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Với chương trình xã an toàn dịch bệnh triển khai tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh và xã Yên Thái, huyện Yên Mô, hàng trăm hộ chăn nuôi đã được tập huấn, tuyên truyền về các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, được hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Qua kiểm tra, lấy mẫu đánh giá kháng thể một số bệnh cho thấy các mầm bệnh trên vật nuôi tại 2 địa bàn này được kiểm soát tương đối tốt.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đang có 510 trang trại, gia trại chăn nuôi. Đến hết quý III, đàn trâu ước đạt trên 15 nghìn con; đàn bò gần 41 nghìn con (tăng 23,5% so với cùng kỳ); đàn lợn 440 nghìn con (tăng 4,7%); đàn gia cầm đạt 5,3 triệu con (tăng 11%). Sản lượng thịt hơi (trâu, bò, lợn, gà) xuất chuồng 9 tháng đầu năm đạt trên 48 nghìn tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước.
Còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này, theo ghi nhận tại nhiều địa phương, hầu hết các loài gia súc, gia cầm đã được hộ chăn nuôi vào đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết.
Bởi theo chu kỳ thời gian, để đàn gà từ lúc mới thả đến khi xuất bán là gần 4 tháng, thời gian này ở đàn lợn là hơn 3 tháng. Do vậy, hiện người chăn nuôi gần như đã hoàn tất công đoạn xuống giống.
Để giúp người chăn nuôi phát triển sản xuất, cân đối cung cầu thực phẩm, ổn định thị trường cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã và đang tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi vào đàn; chú trọng bố trí đủ nguồn con giống chất lượng tốt; kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh về giống, thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn.
Tiếp tục giám sát việc sử dụng chất cấm, kháng sinh để duy trì kết quả đạt được và tiếp tục đẩy lùi, ngăn chặn việc lạm dụng trong sử dụng.
Đồng thời, cử cán bộ thú y hướng dẫn người dân có giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ.
Đối với đàn trâu, bò, đẩy mạnh việc trồng cỏ và cây thức ăn; thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét.
Đối với đàn lợn, cải tạo chất lượng con giống; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống có năng suất, phẩm chất tốt vào sản xuất.
Với đàn gia cầm, tăng cường phát triển chăn nuôi những giống có phẩm chất thịt, trứng tốt... đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Tăng cường cập nhật và thông tin về tình hình chăn nuôi; thị trường các sản phẩm chăn nuôi có ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp, thời tiết đang chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.
Vì vậy, nguy cơ tái phát dịch trong những tháng cuối năm rất cao, người chăn nuôi cần chú ý công tác phòng, chống dịch để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.
Hiện, Chi cục đang chỉ đạo đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm, long móng ở đàn trâu, bò; tai xanh, dịch tả ở đàn lợn... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Từ ngày 15-9, lực lượng thú y cũng đã đồng loạt ra quân tiêm phòng vắc xin vụ thu đông cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Đến ngày 28-10, toàn tỉnh đã tiêm hơn 14.700 liều vắc xin lở mồm, long móng cho đàn trâu bò, gần 140.000 liều vắc xin tả, phó thương hàn, tụ dấu lợn cho đàn lợn và hơn 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm. Nhiều loại bệnh đạt tỷ lệ tiêm phòng lên tới trên 90% kế hoạch như lở mồm, long móng, cúm gia cầm.
Chi cục cũng đang hướng dẫn các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại, các ổ dịch cũ, các chợ đầu mối mua bán gia súc, gia cầm để ngăn ngừa dịch bệnh tái phát n
Hà Phương