Xuất khẩu tăng trưởng mạnh Theo báo cáo của Sở Công thương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020), các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu ở tỉnh đã có bước tiến vượt bậc và có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, cụ thể: Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.009 triệu USD và năm 2017 đạt 1.154 triệu USD, tăng 14,4% so với năm 2016.
Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.553 triệu USD, tăng 34,6% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu phấn đấu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI đã đề ra là vào năm cuối nhiệm kỳ kim ngạch xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD. Riêng trong 9 tháng năm 2019, hoạt động xuất khẩu tăng mạnh với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750 triệu USD, tăng 62,8% so với cùng kỳ và đạt 120,7% kế hoạch năm.
Đánh giá hoạt động xuất khẩu của tỉnh, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những năm gần đây đã đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng công nghiệp do các chính sách về thu hút đầu tư, ưu đãi đối với một số ngành công nghiệp hỗ trợ và các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã mang lại môi trường đầu tư thuận lợi và ổn định cho các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp.
Đặc biệt, từ sau khi các Hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội đối với các mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, điện tử... Năm 2019, cùng với các nhà máy sản xuất giày dép đang hoạt động, các dự án mới của Công ty Chung Jye, Vienergy, Regis đã đi vào sản xuất ổn định, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu (xuất khẩu mặt hàng giày dép tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng, clanke cũng đạt kim ngạch xuất khẩu cao do nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Bangladesh.
Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh thời gian qua là các doanh nghiệp ngày càng chủ động tham gia tìm kiếm thị trường, tích cực hội nhập, qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Nhiều mặt hàng đã vươn tới những thị trường khắt khe như: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... Điều này là thước đo chứng tỏ khả năng cạnh tranh và mức độ hội nhập của tỉnh vào khu vực, thế giới và những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh
Những thành tích về xuất khẩu của tỉnh thời gian qua rất ấn tượng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn một số tồn tại: Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ; phát triển xuất khẩu vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp, chi phí xuất khẩu cao. Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ cao vẫn diễn ra. Cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng với nhu cầu sản xuất lớn nên phần lớn các doanh nghiệp chưa tận dụng được các lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức do sự cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu ngày càng lớn. Năng lực tham gia thương mại quốc tế của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương, để xuất khẩu của tỉnh chiếm ưu thế một cách bền vững và tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, trong thời gian tới các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu hàng hóa; đào tạo phát triển nguồn nhân lực...
Đặc biệt có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước hội nhập.
Là đơn vị quản lý nhà nước về hoạt động xuất khẩu, trong thời gian tới Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xuất khẩu.
Đồng thời tập huấn, hướng dẫn làm thủ tục xuất khẩu, giới thiệu cung cấp thị trường cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có những thông tin hữu ích để tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất. Sở cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử, kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường truyền thống và các thị trường mới có nhiều tiềm năng, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu có lợi thế rõ ràng, có giá trị gia tăng, cạnh tranh cao, có tỷ trọng lớn.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; thực hiện kết nối cung, cầu hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác kinh doanh, liên kết để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; tăng cường đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung thu hút phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nguyên liệu trong nước và cung cấp vật liệu, linh kiện cho các ngành sản xuất, lắp ráp thành phẩm. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tăng cường liên kết, hợp tác, đổi mới công nghệ, tìm kiếm và nhập khẩu dây chuyền công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà quốc tế quy định. Tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở điện để các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp phát triển mạnh.
Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng phải chuyển mình liên tục để phù hợp với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Chủ động tìm hiểu và nghiên cứu thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật quốc tế.
Chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm của doanh nghiệp không thể cạnh tranh với các nước khác. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề và nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, cần chủ động tạo sự liên kết gắn bó giữa các doanh nghiệp, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường.
Giáng Hương