Trước hết có thể thấy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình đã có những bước phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tham gia xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội khác. Đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có 610 hội viên, trong đó có 4 Chi hội cấp huyện, 3 Hội ngành nghề là Hội ngành nghề cói, nghề đá mỹ nghệ, nghề sản xuất nấm và 1 câu lạc bộ doanh nhân nữ. Các doanh nghiệp đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 91.000 lao động trên địa bàn tỉnh với thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thực hiện tốt chính sách cho người lao động như: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH xuất, nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Thành, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao…
Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã tích cực nắm bắt những khó khăn, thuận lợi của các doanh nghiệp, phản ánh, tập hợp những kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và các ngành liên quan để có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Trong năm, Hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để phổ biến cho các doanh nghiệp về chủ trương và các quy định, thủ tục hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu đầu tư của Nhà nước. Chỉ tính riêng Ngân hàng CPTM Công thương Chi nhánh Ninh Bình năm 2009 đã cho vay hỗ trợ lãi suất 752 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 282 tỷ đồng, trung hạn 470 tỷ đồng. Từ cuối năm 2009 đến năm 2010, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trung hạn đạt 433 tỷ đồng, tổng số tiền lãi lũy kế hỗ trợ là 25,4 tỷ đồng… Năm 2010, số hỗ trợ lãi suất được thực hiện gần 100 tỷ đồng.
Hiệp hội đã phối hợp với Sở Lao động, Thương bình và Xã hội, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Ban đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại địa phương mở nhiều lớp tập huấn, phổ biến Luật Lao động, chính sách thuế, xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường trong nước, tham gia hội chợ, như: Mở lớp phổ biến các quy định về hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp vay trung và dài hạn năm 2010; lớp tập huấn về phần mềm kế toán MISA giúp các doanh nghiệp ứng dụng vào hạch toán, làm báo cáo liên quan đến hoạch toán rất tiện dụng, chính xác, kịp thời, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức so với trước. Hiệp hội cũng đã mở lớp nghiên cứu về thị trường Nhật Bản, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng thêm hiểu biết về thị trường, tạo cơ hội xuất, nhập khẩu mở rộng. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với VCCI và các ngành giới thiệu chương trình đi dự hội chợ, kết hợp tham quan, nghiên cứu các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Thông qua các chương trình này, giúp các doanh nghiệp tăng thêm hiểu biết pháp luật, nắm bắt các phương pháp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, giúp doanh nhân chủ động và tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Để các doanh nghiệp theo dõi sát sao các hoạt động của Hiệp hội cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Hiệp hội đã có trang web phản ánh các hoạt động của Hiệp hội, của các doanh nghiệp, thực hiện quảng cáo cho các doanh nghiệp; cung cấp thông tin trong nước và quốc tế liên quan đến các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin cần thiết phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch cũng như điều chỉnh các mặt hoạt động sao cho phù hợp, kịp thời, đem lại kết quả sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Năm vừa qua, Hiệp hội đã cử người tham gia các cuộc hội thảo của dự án xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương Hội do Liên minh châu Âu tài trợ. Thông qua hoạt động của các dự án đề xuất những chính sách hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Hiệp hội đã thành lập được nhóm Thương mại hạt nhân gồm 20 thành viên, đã tổ chức sinh hoạt, bước đầu các thành viên đã nắm bắt được cách thức hoạt động của nhóm và tự mình giải quyết các nội dung hội thảo và giúp các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò đã được khẳng định, hiện nay Hiệp hội vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: thiếu các nguồn lực, thiếu năng lực, thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu khung pháp lý cho việc xây dựng và phát triển Hiệp hội. Việc làm rõ chức năng và vai trò của Hiệp hội sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, củng cố thị trường nội địa, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thị trường và khách hàng trong các doanh nghiệp hội viên.
Nguyễn Thơm