Như vậy, nhìn tổng thể cuộc vận động này liên quan đến nhiều góc độ sản xuất và tiêu thụ; doanh nghiệp và thị trường; khả năng bán và sức mua… trong phạm vi quốc nội.
Lĩnh vực sản xuất là các doanh nghiệp (tập đoàn sản xuất, tổng công ty, công ty, nhà máy, xí nghiệp…), HTX, tổ hợp tác sản xuất; hộ, gia đình kinh doanh cá thể… sản xuất ra các loại sản phẩm phục vụ cho việc tiêu dùng và sử dụng của xã hội. Trước đây, thường mỗi doanh nghiệp chỉ sản xuất ra một loại sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu cho mình. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp đều đi theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kết hợp với dịch vụ, du lịch; hoạt động thương mại với kinh doanh bất động sản; sản xuất với chế biến và tiêu thụ…
Trong hơn 20 năm đổi mới, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp trong toàn quốc như "trăm hoa đua nở" và đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước ngày càng đông đảo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà: Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao; giá trị tổng sản phẩm trong nước tăng nhanh; xuất khẩu chiếm 60% GDP của cả nước, với nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như cà phê, gạo, hạt điều, may mặc, điện tử; chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thương trường.
Có thể thấy rõ điều này, khi mà vào những năm 80, 90 của thập kỷ qua, quạt điện Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, nhưng đến nay loại hàng hóa này đã được thay thế bằng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam: Điện cơ, Thống nhất, Hoa sen… Loại hàng hóa quần áo, giày dép… cũng vậy. Thị trường nội địa đang tràn ngập quần áo của Công ty may 10, Việt Tiến và các doanh nghiệp khác. Lĩnh vực cơ khí chế tạo, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) đã chế tạo thành công các loại cẩu, trong đó có cẩu chân đế 180 tấn được tặng cúp vàng tại hội chợ TECHMART ASEAN +3, thay thế hoàn toàn loại sản phẩm mà trước đây phải nhập ngoại. Nhiều cơ sở cơ khí và người nông dân đã tự tìm tòi chế tạo ra máy bơm, máy tuốt lúa, máy gặt, máy bóc vỏ lạc, máy cắt cỏ… phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hàng năm, đã có nhiều các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước được tôn vinh là "Hàng Việt Nam chất lượng cao".
Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng cho rằng: Nền kinh tế nước ta còn nhiều yếu kém, bất cập. Sự cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra nói riêng còn thấp, tiêu hao năng lượng, nguyên, vật liệu trong cùng một sản phẩm hàng hóa cao hơn so với các nước khác, hàm lượng trí tuệ và công nghệ trong sản phẩm thấp. Thị trường nội địa có tiềm năng rộng lớn lại chưa được quan tâm khai thác… Rõ ràng, đây là vấn đề mà trước hết phải từ doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế đất nước và nhân dân trong cuộc vận động này.
Từ đó tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng hơn là phải đổi mới công nghệ, áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, cải tiến mẫu mã hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm… nhằm hướng đến mục tiêu sản phẩm có chất lượng, bền, đẹp; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của mình và cho Quốc gia. Trong cơ chế thị trường, cần nghiên cứu và nắm bắt thực tế để sản xuất ra những sản phẩm mà xã hội cần, nhân dân có nhu cầu.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đã có những doanh nghiệp thành công nhờ áp dụng các giải pháp trên và Công ty cổ Phần phân lân Ninh Bình là một ví dụ: đưa hàng về tận vùng nông thôn, tổ chức hội thảo giới thiệu về sản phẩm, có cơ chế, chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp (bán trả chậm, trả góp, ký gửi…) nên thị phần của Công ty chiếm tỷ lệ cao. Trong lĩnh vực sử dụng và tiêu dùng, một bộ phận không nhỏ nhân dân còn "sính" hàng ngoại, nhất là loại hàng hóa phục vụ cho sinh hoạt gia đình và cá nhân. Tâm lý đó xuất phát từ thực tế trước đây, hàng hóa do doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất ra chất lượng kém, chủng loại, mẫu mã lại không phù hợp. Đất nước đang ngày càng hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu. Kinh tế đất nước đã có sự phát triển mạnh mẽ với đủ các loại sản phẩm hàng hóa, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại. Nhưng các sản phẩm hàng hóa nội địa cũng đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn của các hàng hóa nước ngoài. Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới lại đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước nhà. Xuất khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất hoặc đứng bên bờ vực phá sản… Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức trong tiêu dùng cá nhân, sử dụng hàng hóa Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, lòng tự tôn dân tộc, nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện mua sắm công, nên sử dụng hàng hóa nội địa. Các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, nhà máy, xí nghiệp; HTX, tổ hợp tác, người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình… sử dụng trang thiết bị, máy móc, nguyên, nhiên, vật liệu nội địa có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất, kinh doanh. Đương nhiên những sản phẩm đẹp, có chất lượng cao không chỉ nhằm mục đích cho xuất khẩu mà còn hướng đến phục vụ cho nhân dân trong nước.
Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao thì công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải đi trước một bước, làm cho mọi người dân nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện cuộc vận động này. Điểm mấu chốt của cuộc vận động này là: Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo đủ về số lượng với chất lượng tốt, giá cả phù hợp và người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị có ý thức trong sử dụng.
Trường Sinh