P.V: Thưa đồng chí, năm 2016, Ninh Bình đã tích cực triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP và 35/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường cạnh tranh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Trước hết phải khẳng định Nghị quyết 19/NQ-CP và 35/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường cạnh tranh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 là 2 Nghị quyết rất quan trọng về cụ thể hóa thể chế kinh tế trong điều kiện đất nước đang hội nhập. Đặc biệt với điều kiện phát triển kinh tế năm 2016 thì thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp là một trong những yếu tố rất cơ bản hiện nay và đúng, trúng với tình hình thực tế.
Nhận thức về tầm quan trọng của 2 Nghị quyết, ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị quyết, tỉnh Ninh Bình đã bắt tay vào triển khai và sớm ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lựa chọn những vấn đề liên quan đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó cải cách hành chính là một trong những nội dung quan trọng được xem là đột phá để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa 212 thủ tục hành chính; hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời; tổ chức tọa đàm triển khai Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đạt hiệu quả và chất lượng.
Chuẩn hóa, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện các TTHC đối với các hoạt động: Cấp đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường, giấy phép lao động, thuế, hải quan, bảo hiểm ...
Đặc biệt trong công tác CCHC Ninh Bình đã xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng quy trình xử lý theo Iso 9001:2008, ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử eOffice.
Thực hiện công tác quảng bá hình ảnh và xúc tiến đầu tư đối với các đối tác trong và ngoài nước thông qua website, phim tư liệu mới về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh… Trong năm 2016, toàn tỉnh thu hút và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 36 dự án mới với tổng số vốn đăng ký là 5.403 tỷ đồng, trong đó 7 dự án trong KCN với số vốn đăng ký là 2.726 tỷ đồng. Trong đó có 3 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang triển khai dự án tại Ninh Bình.
Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thường xuyên liên tục. UBND tỉnh thường xuyên điều tra, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các lĩnh vực chuyên ngành: thuế, hải quan, bảo hiểm ... tổ chức hội nghị tham vấn các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; hội nghị ký cam kết với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020.
Tỉnh đã xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Đặc biệt thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đến nay, UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư, với tổng mức hỗ trợ 30,235 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Quyết định hỗ trợ cho 1 dự án chỉ sử dụng nguồn ngân sách tỉnh với mức hỗ trợ 405 triệu đồng, thời gian hỗ trợ trong 5 năm.
P.V: Ninh Bình đã làm thế nào để tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư? Thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Để khẳng định quyết tâm, trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tập trung vào triển khai 10 nguyên tắc, trong đó có những vấn đề nổi bật như thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi đến với Ninh Bình như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Tăng cường các giải pháp liên quan đến thủ tục hành chính như Chính phủ điện tử, đặc biệt đối với ngành thuế để các doanh nghiệp thuận tiện trong việc kê khai và nộp thuế.
Hiện, Ninh Bình có 2.876 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên cổng điện tử cơ quan thuế, đạt 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Về chính sách địa phương, Ninh Bình cũng có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực như: xúc tiến thương mại, chính sách đất đai, bảo hiểm, hải quan...Những quy định đó giúp tạo điều kiện hình thành hành lang pháp lý và thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
P.V: Thưa đồng chí, năm 2017 Ninh Bình sẽ thực hiện những giải pháp nào để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đối với doanh nghiệp FDI?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch: Tỉnh Ninh Bình luôn coi môi trường kinh doanh là cốt lõi, là điều kiện quyết định thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đó còn là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.
Chính vì thế, năm 2017, Ninh Bình sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, các dự án ngoài ngân sách, những nhà đầu tư có năng lực thực sự, các dự án có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đảm bảo các tiêu chí như đóng góp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Đây là giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo mức vốn đầu tư toàn xã hội như đã tính toán, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu trên Ninh Bình tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu của tỉnh là chú trọng công tác cải cách hành chính trong chính sách về đất đai, nhà ở, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư…thực hiện các giải pháp duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh hàng năm ở nhóm tốt trở lên, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nghiên cứu và có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là về giải phóng mặt bằng, tăng cường trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp để động viên, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; có chính sách huy động tốt, tạo thuận lợi đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp như mặt bằng, các điều kiện sản xuất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp, hiệu quả như BOT, BTO, BT…
Ngoài ra tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi như mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư để thu hút vốn FDI. Xây dựng danh mục dự án thu hút và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án không bố trí được nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ hoặc không chuyển đổi được sang hình thức đầu tư khác. Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức hữu nghị để tiếp cận huy động vốn viện trợ phi chính phủ.
Riêng đối với vốn FDI, tỉnh tiếp tục mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế mạnh; tăng cường quảng bá, tiếp cận các nhà đầu tư lớn; kết hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến trong nước và nước ngoài. Tiếp tục lập các đoàn công tác đi tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp đang sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ cung cấp thông tin, cập nhật, phổ biến đến nhà đầu tư qua văn bản pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)