Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia nhiệt tình của người dân hưởng ứng phong trào XDNTM, diện mạo nông thôn Ninh Bình đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng văn minh, hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ… được quy hoạch và đầu tư phát triển một cách tương đối đồng bộ. Nông thôn một số nơi bắt đầu khởi sắc rõ nét, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ổn định và phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Đến hết tháng 12-2014, toàn tỉnh đã có 16 xã đạt 19 tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới. Các xã còn lại số tiêu chí đạt bình quân/xã là 11 tiêu chí, tăng 6 tiêu chí so với thời điểm năm 2010. Trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng về thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến khá phức tạp, nhưng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn dành được những kết quả khá toàn diện, rõ nét, lan tỏa về chiều rộng và từng bước vững chắc là một minh chứng khẳng định ý Đảng hợp với lòng Dân, đồng thời ghi nhận sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là với các xã đã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong quá trình XDNTM cũng còn những khuyết, nhược điểm và cả những bất cập cần phải quan tâm giải quyết. Đó là: Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đầy đủ, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự đầu tư của Nhà nước. Một số có tư tưởng nóng vội, chạy theo phong trào thành tích. Đội ngũ cán bộ một số nơi còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về XDNTM, đặc biệt, cấp huyện và xã chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ XDNTM. Việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của một số đơn vị thực hiện chưa thường xuyên, việc chỉ đạo có đơn vị còn lúng túng, có nơi chưa quyết liệt. Công tác dồn điền, đổi thửa một số nơi triển khai chậm. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất xây dựng mô hình và tổng kết nhân rộng phát triển sản xuất còn ít. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ nông thôn chưa chuyển biến tích cực. Nếp sống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở thôn, xóm chưa được cải thiện nhiều; tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu giảm chậm; nhiều dụng cụ, thiết bị nhà văn hóa, khu thể thao nông thôn còn thiếu. Việc huy động nguồn lực thực hiện Chương trình gặp rất nhiều khó khăn, một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho XDNTM.
Mục tiêu nhiệm vụ XDNTM năm 2015 có 18 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã hoàn thành theo Đề án 06 của UBND tỉnh và 9 xã đăng ký phấn đấu về đích trước kế hoạch. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, trong bối cảnh kinh tế trong nước phục hồi chậm, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít, nguồn lực đầu tư XDNTM của Nhà nước ngày càng giảm. Để hoàn thành nhiệm vụ XDNTM năm 2015, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức XDNTM. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, hội thi và hướng dẫn triển khai công tác thông tin tuyên truyền về XDNTM nhằm nâng cao nhận thức và tránh tư tưởng phô trương hình thức làm theo phong trào cũng như khuynh hướng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của cấp trên. Phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra giám sát và kiện toàn hệ thống quản lý Chương trình từ tỉnh xuống cơ sở, đặc biệt là cấp xã. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về công tác XDNTM. Tập trung xây dựng huyện điểm, xã điểm để thực sự là mô hình điểm về dạy nghề và nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường giúp hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận với những chính sách của Nhà nước và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách. Tích cực huy động, quản lý, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn lực để XDNTM, đồng thời tiếp tục vận động mọi nguồn lực như: sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đóng góp của nhân dân và tài trợ của con em quê hương.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi XDNTM, đó là không được "chệch hướng" sang đô thị hóa nông thôn; "thị dân hóa" nông dân. Kiên cố hóa kênh, mương, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm nhưng không được làm "bê tông hóa" tình làng, nghĩa xóm vốn từ bao đời nay "tối lửa, tắt đèn" có nhau. XDNTM nhằm tạo dựng nên bộ mặt nông thôn khang trang mà người nông dân không còn bị mặc cảm về khoảng cách hưởng thụ những tiến bộ xã hội so với người dân đô thị và không phải nghĩ tới chuyện bỏ làng quê ra phố làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Người nông dân trở thành những người sản xuất trên những cánh đồng mẫu lớn, sống trong những căn nhà đẹp đẽ, có vườn rau, ao cá và làm việc ở những cơ sở chế biến nông sản trên mảnh đất quê mình. Phải chăng đó mới chính là xây dựng nông thôn mới?
Nguyễn Đông