Vào những ngày nông nhàn, đặc biệt sau những đợt mưa bão, lũ lụt, ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện có nhiều diện tích sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng trũng như Gia Viễn, Nho Quan…, không khó để bắt gặp người dân dùng kích điện, xung điện để đánh bắt cá. Có một thời gian, tình trạng đánh bắt các loại thủy sản bằng kích điện, xung điện tạm lắng xuống do các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nhưng thời gian gần đây, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng trở lại dẫn đến môi trường sinh thái ở các sông ngòi, ao, hồ, đồng ruộng… đang bị đe dọa nghiêm trọng, có thể thấy rõ là số lượng cá tôm, sinh vật có ích ngày càng bị sụt giảm, môi trường bị suy kiệt. Thêm vào đó, tính mạng người dân cũng rất nguy hiểm khi dùng những dụng cụ tự chế để đánh bắt cá.
Nhìn cảnh không chỉ có nam giới mà có cả phụ nữ cùng tham gia đánh bắt cá bằng kích điện tại một khu ruộng của xã Gia Lạc (Gia Viễn) chúng tôi nhận thấy, hình thức đánh bắt này đơn giản và dễ thực hiện. Chỉ cần một bình ắc quy khoảng 12v với bộ phận kích điện lên từ 220v; hai cái cần tre dài 2 - 3m, một cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm. Khi chọc hai cần xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện, những động vật nằm trong bán kính 3m sẽ bị điện giật chết hoặc gây thương tổn vĩnh viễn. Chị Vũ Thị Đào, xã Gia Lạc cho biết: Là người dân sống trên địa bàn có nhiều diện tích đầm nước, ao hồ, sông ngòi, chúng tôi biết, việc dùng kích điện để đánh bắt các loài cá, tôm là ảnh hưởng tới môi trường sống của thủy sản, các sinh vật trong nước và việc xử phạt cho hành vi này là không nhỏ. Hơn nữa, hình thức đánh bắt này cũng vô cùng nguy hiểm, chúng tôi cũng nghe có người đã bị chết vì bị điện giật, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ngoài thời gian làm ruộng, tranh thủ làm nghề này chúng tôi cũng kiếm được mỗi ngày từ 100-150 nghìn đồng, đủ nuôi cho 2 con ăn học, nếu không làm nữa chẳng biết trông chờ vào nguồn thu nào.
Là vùng rốn nước, nhiều xã ở huyện Gia Viễn đã và đang trở thành điểm nóng trong việc đánh bắt cá bằng kích điện, xung điện, nhất là vào thời điểm chuẩn bị nước lên. Mặc dù đã được cảnh báo bằng nhiều hình thức nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Hiện nay, những người đánh bắt thủy sản bằng kích điện, xung điện không còn ngang nhiên như trước mà đi vào hoạt động lén lút, nhất là lợi dụng những ngày mưa lũ và vào ban đêm. Việc quản lý vấn đề này còn khá lỏng lẻo, một phần vì chưa thành lập được lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, một phần là do một số địa phương chưa huy động được sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các tổ chức, đoàn thể và hơn nữa, hiện cũng chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm triệt để.
Đánh bắt thủy sản bằng kích điện, xung điện là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chỉ thị nêu rõ: "Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản", và "Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước".
Thực hiện Chỉ thị 01, thời gian qua, Chi cục Nguồn lợi thủy sản tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không tham gia đánh bắt thủy sản bằng kích điện. Đồng thời tổ chức điều tra, nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy hải sản, giảm dần cường lực của các nghề khai thác thiếu bền vững; thực hiện công tác dự báo nguồn lợi, khuyến khích chuyển đổi nghề. Từ đầu năm 2013 đến nay, Chi cục đã tổ chức kiểm tra 12 đợt, đã kiểm tra 123 phương tiện khai thác thủy sản và lập biên bản vi phạm hành chính 13 chủ phương tiện đã sử dụng xung điện, kích điện.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ được số người trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Thực tế số người tham gia đánh bắt thủy sản bằng xung, kích điện là khá nhiều nhưng việc phát hiện và xử lý của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương còn ở mức độ khiêm tốn. Người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn ngành chức năng thì lực lượng mỏng, phương tiện thiếu nên khó kiểm soát, chính quyền sở tại chưa chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân, dẫn đến tình trạng khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt như hiện nay. Hậu quả 10 năm, 20 năm sau chưa rõ, song nguồn lợi thủy sản đang ngày càng giảm đi rõ rệt. Đã đến lúc công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần được xã hội hóa, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao ý thức cho người dân. Có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và nhân dân sẽ tạo ra thế trận toàn dân tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Mỹ Hạnh