Theo đó, trong 5 năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được các cấp, các ngành ở tỉnh quan tâm, triển khai và đạt được những kết quả tích cực trên 6 nội dung của Chương trình tổng thể CCHC.
Các hoạt động của cơ quan hành chính được gắn kết thường xuyên với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể; các kế hoạch hàng năm, giai đoạn được xây dựng trên cơ sở chương trình tổng thể và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương, xác định rõ những nhiệm vụ phải giải quyết và các giải pháp thực hiện, qua đó cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hạn chế phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tồn tại nhằm hoàn thành các nội dung, mục tiêu đã đề ra.
Trong cải cách thể chế, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của địa phương được đổi mới và nâng cao chất lượng theo Quyết định số 1417 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế xây dựng và ban hành VBQPPL.
Theo đó, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi, tất cả các VBQPPL đều phải được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan có liên quan và được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL, trong đó quy định rõ số lượng văn bản, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và tổ chức thực hiện.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành trình UBND tỉnh ban hành 313 VBQPPL và văn bản hành chính. Rà soát, tự kiểm tra trên 2,7 nghìn VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh, trên 1,2 nghìn VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện theo chuyên đề hoặc định kỳ, từ đó đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 29 văn bản, đề nghị hủy bỏ, bãi bỏ 13 văn bản của tỉnh.
Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh trên hầu hết các lĩnh vực. Đến nay, tại cấp sở, ngành có 199 lĩnh vực, cấp huyện có 4-9 lĩnh vực và ở cấp xã có 3-5 lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Hầu hết các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đều được rà soát, sửa đổi, ban hành mới theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho tổ chức, công dân. Ngoài ra, việc công bố, công khai các thủ tục hành chính tiếp tục được duy trì.
Từ năm 2011 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 54 Quyết định công bố gần 1,6 nghìn thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành.
Đồng thời chỉ đạo việc nhập dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và cổng thông tin điện tử tỉnh đảm bảo kịp thời. Đã ban hành 51 văn bản đề nghị Cục kiểm soát thủ tục hành chính công khai 1,2 nghìn thủ tục hành chính, không công khai 860 thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia do bị sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ.
Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì 17/17 sở, ngành (đạt 100%) áp dụng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, trong đó 3 đơn vị (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Tư pháp) áp dụng thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp; lao động, người có công và xã hội; đăng ký hộ tịch. Có 8/8 UBND cấp huyện, 145/145 UBND cấp xã (đạt 100%) triển khai thực hiện cơ chế một cửa.
Các đơn vị cấp huyện đã đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị như máy quét mã vạch, máy xếp hàng tự động, tiến tới thực hiện mô hình một cửa hiện đại theo quy định tại Quyết định số 09 ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính được công bố tại trụ sở, bộ phận một cửa, một cửa liên thông của các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì thực hiện.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính được quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã ban hành lại quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của 7 đơn vị cấp sở, ngành, 6 chi cục và cơ quan tương đương, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của 3 đơn vị. Ngoài ra, tổ chức các cơ quan chuyên môn ở địa phương cũng được sắp xếp lại.
Thực hiện Nghị định số 24 ngày 4-4-2014 và Nghị định số 37 ngày 5-5-2014 của Chính phủ, tỉnh ta vẫn duy trì bố trí 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên do được quan tâm từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến quy hoạch, bổ nhiệm.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cử 338 cán bộ, công chức, viên chức đi học bác sỹ, dược sỹ đại học, bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II và đi đào tạo sau đại học; cử 31 giảng viên tham dự các lớp bồi dưỡng giảng viên nguồn do Bộ Nội vụ tổ chức; 12 công chức, viên chức đi bồi dưỡng tiếng Anh tại nước ngoài.
Mở hàng chục lớp trung cấp hành chính văn phòng, tin học văn phòng, trung cấp chuyên nghiệp quân sự, đại học tại chức… cho cán bộ, công chức, cán bộ chủ chốt hoặc chức danh chủ chốt cấp xã.
Đồng thời mở 203 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 15 nghìn lượt học viên, trong đó mở theo kế hoạch đào tạo hàng năm là 168 lớp, ngoài kế hoạch đào tạo là 37 lớp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trong quản lý nhà nước được duy trì và phát huy tác dụng tích cực trong hoạt động phục vụ nhân dân. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 194 ngày 23-3-2011 về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015 và các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể theo từng năm.
Hiện nay, 100% cơ quan trên địa bàn tỉnh có mạng LAN nội bộ kết nối Internet để tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin. Tỷ lệ cán bộ, công chức (các sở, ngành, UBND cấp huyện) có máy tính làm việc đạt trên 82%.
Có 24/26 đơn vị đã xây dựng trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin hoạt động điều hành, các văn bản và dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 1, 2 và 3; đặc biệt Sở Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp được 1 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4.
Trong giai đoạn 2011-2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn 25 đơn vị, cơ quan Nhà nước xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của cơ quan, đơn vị trong tỉnh; trong đó có 21 cơ quan đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu chung là xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả nhằm phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo đó, Chương trình CCHC tập trung vào 4 nội dung: cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, công chức và hiện đại hóa hành chính.
Phấn đấu đến năm 2020, 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân. 8/8 huyện, thành phố có trung tâm một cửa liên thông hiện đại.
Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện, đảm bảo mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đạt mức trên 80%. 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3.4…
Mỹ Hạnh