Phóng Viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả trong chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong thời gian qua?
Đ/c Nguyễn Thị Tố Hằng: Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành mở nhiều lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa những cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Trong năm 2013, các cơ sở Hội đã tổ chức cho trên 4 nghìn lượt phụ nữ tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phương pháp quản lý nguồn vốn, xây dựng dự án nhỏ; mở 22 lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho 625 phụ nữ, giới thiệu việc làm cho 350 người và giúp 12 chị em đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã năng động trong việc mở rộng các nguồn vốn vay cho phụ nữ thông qua phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, dự án Quỹ quay vòng; vận động chị em tham gia xây dựng các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, huy động vốn nhàn rỗi để phụ nữ vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp... Đến nay, tổng số vốn do Hội khai thác đã đạt 349 tỷ 810 triệu đồng với hơn 13,3 nghìn lượt phụ nữ được vay phát triển kinh tế gia đình, đầu tư cho con em đi học.
Ngoài ra, hàng năm Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đều chỉ đạo các cấp hội phụ nữ rà soát, nắm chắc địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, phân công cán bộ, hội viên phụ nữ giúp đỡ theo phương châm "cầm tay chỉ việc". Trong đó, tập trung vào việc hướng dẫn các gia đình hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi, sử dụng đúng mục đích vốn vay và phân công lao động hợp lý để vươn lên thoát nghèo. Nhờ các biện pháp thiết thực đó, năm 2013, các cấp Hội trong huyện đã giúp 51 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ vươn lên thoát nghèo, 85% hội viên đạt danh hiệu gia đình "5 không, 3 sạch".
PV: Hội Phụ nữ huyện Yên Mô luôn được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt phong trào "Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững", đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Nguyễn Thị Tố Hằng: Phong trào thi đua "Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững" được Hội Phụ nữ huyện triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ với nhiều hình thức đa dạng thông qua hoạt động tiết kiệm trong các chi hội, xây dựng các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm; nuôi lợn nhựa tiết kiệm; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập; xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch". Tại các chi Hội đều triển khai vận động mỗi hội viên phụ nữ tiết kiệm 10.000 đồng/tháng, nhiều đơn vị số tiền tiết kiệm tại các chi hội, tổ, nhóm phụ nữ đạt từ 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai đã có nhiều hình thức tiết kiệm được chị em tự nguyện hưởng ứng và đăng ký thực hiện rất có hiệu quả như: học hỏi áp dụng kiến thức khoa học để tiết kiệm chi phí sản xuất và trong sinh hoạt gia đình; tiết kiệm điện, nước; tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, trong chi tiêu hàng ngày của gia đình…
Đến nay, Hội phụ nữ huyện đã thành lập được 548 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm với tổng số tiền trên 9,58 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm tại các chi, tổ, nhóm phụ nữ là 4,71 tỷ đồng, cao nhất tỉnh. Số tiền tiết kiệm này đã giúp cho 778 hộ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, năm qua, các cơ sở Hội còn triển khai xây dựng quỹ "Vì phụ nữ nghèo" giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà trẻ em nghèo vượt khó học giỏi với số tiền trên 10 triệu đồng và hỗ trợ nhau 627 ngày công cấy.
PV: Về định hướng sắp tới, Hội LHPN huyện có những chương trình gì để góp công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương ngày càng hiệu quả hơn?
Đ/c Nguyễn Thị Tố Hằng: Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là công tác giảm nghèo. Trong đó, tăng cường khai thác các nguồn vốn vay ưu đãi, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn chặt chẽ có hiệu quả, kết hợp cho vay với dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ. Tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương như mô hình lúa - cá, trồng gừng xuất khẩu, mô hình đan cói, bèo xuất khẩu…, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy tính chủ động, quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, quan niệm, định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ và con em họ phù hợp với yêu cầu thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Tiếp tục phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững, vận động xây nhà tình thương cho phụ nữ nghèo.
Cụ thể, trong năm 2014, phấn đấu 100% chi hội tiến hành chuyển giao KHKT; dạy nghề cho từ 510 lao động nữ trở lên, mỗi cơ sở hộ giúp ít nhất 2 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững... Qua đó tạo động lực giúp chị em vượt lên những khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Tân (Thực hiện)