Những năm qua Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm đến hoạt động này bằng hệ thống chính sách, pháp luật khá đầy đủ và chặt chẽ. Ngày 18/10/2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch số 54 ngày 23/5/2018 để triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.
Tuy nhiên, đây là một hoạt động rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các ngành chức năng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có vai trò của người tiêu dùng, tập trung ở một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Hàng năm cần xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng ngày quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (15/3) trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà trước hết là đối với cán bộ, công chức các ngành chức năng. Trang bị, tập huấn cách sử dụng công cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra nhanh, đánh giá chất lượng hàng hóa dịch vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Triển khai chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đo lường chất lượng, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm... Khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông tuyên truyền về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dành thời lượng phù hợp, tăng cường các chương trình phát sóng, đưa tin, bài, ảnh tuyên truyền ngày quyền lợi tiêu dùng Việt Nam và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kịp thời phản ánh thực trạng tình hình, đấu tranh kiên quyết với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đo lường, hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh những kiến nghị của người tiêu dùng và công tác xử lý kiến nghị của người tiêu dùng đến các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thực hiện lồng ghép các đề án, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế-xã hội với nội dung các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Phát huy chức năng nhiệm vụ của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ động khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ để cảnh báo cho người tiêu dùng. Thành lập tổ hòa giải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Công khai số điện thoại của Hội trên phương tiện thông tin đại chúng. Các tổ chức, đoàn thể quần chúng cần nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho đoàn viên, hội viên của mình. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Nguyễn Kim