Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh những năm qua? Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung công tác gia đình, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình "No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh". Các mục tiêu, chỉ tiêu của "Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; "Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình" được thực hiện hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức đăng kí và bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa" được thực hiện công khai, dân chủ ở các thôn, bản, phố, khu dân cư. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình được triển khai thường xuyên. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội được quan tâm. Nhờ đó, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa được nâng lên. Năm 2010 toàn tỉnh có 81,9% gia đình văn hóa, đến hết năm 2016 là 86,1%. Các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình được gìn giữ và phát huy, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế. Chất lượng cuộc sống gia đình ngày càng tăng lên cả về vật chất và tinh thần. Các mô hình gia đình điển hình tiên tiến được nhân rộng và động viên kịp thời. Số gia đình được biểu dương khen thưởng cấp tỉnh, và toàn quốc ngày càng tăng. Đã có 8 gia đình được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong đó có 1 gia đình vinh dự được Chủ tịch nước gặp mặt, động viên tại Phủ Chủ tịch. Gần 100 gia đình được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng qua các năm. Các mô hình "Gia đình văn hóa", "Gia đình hạnh phúc", "Gia đình vượt khó", "Gia đình hiếu học", "Gia đình nông dân sản xuất giỏi"... được các cấp ủy chính quyền, đoàn thể tuyên dương khen thưởng kịp thời, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình đến đông đảo nhân dân.
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác gia đình ở tỉnh nhà còn gặp những khó khăn thách thức gì thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là cơ hội lớn cho chúng ta phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, song cũng xuất hiện không ít thách thức, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, xã hội nói chung và trong đó có vấn đề về công tác gia đình. Một số giá trị đạo đức gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới có biểu hiện xuống cấp, lối sống vị kỉ, cá nhân có chiều hướng gia tăng làm mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo; sự xung đột về lối sống, cách nuôi dạy trẻ, chăm sóc người cao tuổi... giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng rõ rệt; cuộc sống mưu sinh khiến nhiều gia đình không dành thời gian hợp lí để chăm sóc, giáo dục con cái; tình trạng li hôn, li thân, chung sống không kết hôn, các tệ nạn xã hội, nạn bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật... cũng tác động tiêu cực đến việc giữ gìn và bảo vệ các giá trị gia đình; Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội khiến người ở xa gần lại, song đôi khi lại khiến người ở gần trở nên xa cách nhau, và đã đẩy một bộ phận giới trẻ vào cuộc sống ảo, xa rời bạn bè, người thân, gia đình. Trong khi đó, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình, tổ chức hoạt động có lúc, có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả.
Nhận thức rõ được những thuận lợi và khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện công tác gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược gia đình, Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình… Sở đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện lồng ghép các nội dung công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng làng, bản, phố văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Bên cạnh đó, Sở cũng không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục những giá trị truyền thống như tình yêu gia đình, tình cảm yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, thủy chung, ham học hỏi và say mê lao động sáng tạo, coi đây là nền tảng, là mầm mống làm nảy nở tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế, nhân lên những giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị đạo đức, giá trị gia đình truyền thống của người Việt…
PV: Thưa đồng chí, mặc dù tình trạng bạo lực gia đình ở Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực, song đây đó vẫn còn xuất hiện một vài vụ việc đáng tiếc. đồng chí có thể cho biết thực trạng về vấn đề này?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Tình trạng bạo lực gia đình luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của mọi quốc gia, mọi giai tầng xã hội. Nguyên nhân thì có rất nhiều, do sự khắc nghiệt của đời sống kinh tế, sự khác biệt về văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp, tuổi tác, chủng tộc và do cả môi trường tự nhiên, xã hội ở mỗi khu vực, mỗi địa bàn dân cư, ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, tinh thần của từng cá nhân mỗi con người và đến cộng đồng xã hội. Đối với tỉnh Ninh Bình, là tỉnh nằm ở cửa ngõ giao thông bắc nam, nơi có sự giao thoa và xung đột văn hóa khá đặc biệt trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thì việc xuất hiện tình trạng bạo lực gia đình là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành và của toàn xã hội, tình trạng bạo lực gia đình đã và đang có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh có 303 vụ bạo lực gia đình thì đến năm 2015 giảm còn 159 vụ và năm 2016 là 104 vụ, số vụ việc có tính chất nghiêm trọng cũng giảm dần qua các năm.
PV: Ngày "Gia đình Việt Nam" năm 2017 gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, xin đồng chí cho biết các hoạt động mà ngành đã và đang triển khai để hưởng ứng và thực hiện tốt các nội dung trên?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2017, Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền thông qua tiếp xúc cộng đồng về các chủ đề và thông điệp hưởng ứng Ngày "Gia đình Việt Nam", Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền xây dựng các mô hình gia đình no ấm, tiến bộ, khỏe mạnh, hạnh phúc, văn minh; tuyên truyền về tình hình bạo lực trên địa bàn tỉnh, hậu quả, hành vi, các hình thức xử lí bạo lực gia đình, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình, biểu dương các tấm gương điển hình trong phòng chống bạo lực gia đình…
Sắp tới, Ngành văn hóa sẽ tổ chức các sự kiện tại cộng đồng dân cư như hội nghị biểu dương gia đình tiêu biểu các cấp; ngày hội "Gia đình hạnh phúc"; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giao lưu giữa các gia đình, dòng họ. Phát động hưởng ứng "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" cùng cả nước vào khung giờ 17-19h ngày 28/6/2017. Tuyên truyền vận động các gia đình trên địa bàn tỉnh tổ chức bữa cơm gia đình trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm, đặc biệt là những bữa cơm gia đình nhiều thế hệ.
Đặc biệt, để khắc phục và làm giảm dần các vụ bạo lực gia đình, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, các cộng đồng dân cư và từng người dân trong thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; can thiệp và xử lí kịp thời các vụ việc đáng tiếc xảy ra, có phương án bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, đồng thời có biện pháp giáo dục tại cơ sở đối với những người gây bạo lực gia đình.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!
Đào Hằng