Cơ quan điều tra... mò mẫm
Ngày 23/9, công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường vẫn được các cơ quan chức năng tiến hành. Thứ trưởng Bộ TNMT - Trần Hồng Hà cũng đã trực tiếp khảo sát trên sông Thị Vải.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, một trong những nguyên nhân ông vào khảo sát vì thời gian qua đã khá lâu nhưng công tác kiểm tra khám nghiệm chưa đến hồi kết vì sự bất hợp tác của Vedan. Theo đó, Công ty Vedan vẫn chưa cung cấp sơ đồ bố trí nhà máy và thiết kế kỹ thuật. Cơ quan điều tra phải tự mò mẫm nên rất tốn thời gian.
Sau khi quan trắc, phân tích mẫu thử nước sông Thị Vải xung quanh khu xả thải, Thứ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá nước sông đã bớt hôi thối, các yêu cầu về lý hóa, màu sắc ở tầng mặt có bước chuyển đáng kể từ khi Vedan bị "vạch mặt".
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Vedan đã cố ý xóa dấu vết để chạy tội khi cắt bỏ đường ống đấu nối trực tiếp với bể chứa chất thải tại xưởng lên men 2 của Nhà máy bột ngọt và Lysin.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện có nhiều vết hàn cắt đường ống rất mới. Đáng chú ý là có dấu vết trám lỗ chảy tràn bằng bê tông từ bể chứa ra mương thoát nước giải nhiệt.
Cơ quan điều tra đã niêm phong, buộc công ty giữ nguyên hiện trạng để tiếp tục điều tra vụ việc.
"Đoạn sông chết" đang lan rộng
Cần tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước sông Thị Vải để sớm phát hiện ra các nguồn gây ra ô nhiễm, kịp thời đối phó, xử lý, tránh ô nhiễm nặng hơn cho dòng sông. Đó là biện pháp "bảo vệ sông Thị Vải" mà các cơ quan quản lý môi trường, các nhà khoa học cùng nhất trí với nhau trong hội thảo Tăng cường công tác quan trắc và giám sát môi trường lưu vực sông Thị Vải, được Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường) tổ chức ngày 23/9 tại Đồng Nai.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc & Thông tin môi trường, kết quả quan trắc sông Thị Vải năm 2008 cho thấy so với năm 2006, mức độ ô nhiễm tăng đáng kể, nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp nhận nguồn nước thải từ các khu công nghiệp.
Nếu không hành động kịp thời, chất thải công nghiệp sẽ biến Thị Vải thành con sông chết thực sự.
Nước sông hiện có các kim loại nặng như kẽm, chì… Tại khu vực nhà máy Vedan, cảng Mỹ Xuân, hàm lượng thủy ngân (một loại hóa chất cực độc) cũng vượt tiêu chuẩn cho phép. Mức ô nhiễm vi sinh (coliform) của nước sông đã vượt chuẩn từ vài chục đến hàng trăm lần, lượng oxy hòa tan (DO) trong nước thì đang giảm mạnh.
Đặc biệt từ khu vực hợp lưu Suối Cả - sông Thị Vải đến KCN Mỹ Xuân (từ xã Long Thọ, Long Thành, Đồng Nai đến xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dài hơn 10km bị ô nhiễm nặng nề. Nó được gọi là "đoạn sông chết", hầu như các loại sinh vật đều không sống nổi. Các nhà khoa học còn cảnh báo "đoạn sông chết" này đang kéo dài thêm 5km cho đến tận khu vực cảng Phú Mỹ.
Theo tính toán của Trung tâm Quan trắc, nếu không sớm triển khai các biện pháp khống chế nước thải, chỉ 2 năm nữa "đoạn sông chết" sẽ lan rộng hầu hết mặt sông và không thể kiểm soát được.
Từ vụ Công ty TNHH Vedan Việt Nam bị bắt quả tang xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, các nhà khoa học khuyến nghị cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình, xử lý nước thải tốt trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, còn rất nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xả chất thải ô nhiễm ra dòng sông này chứ không riêng gì Công ty Vedan. Ông Hoàng Văn Thống - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, thừa nhận có nhiều doanh nghiệp lợi dụng trời mưa, đêm tối để xả thải ra sông nhưng rất khó bắt quả tang.
Về vấn đề này, TPHCM đang thực hiện dự án lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động tại các cửa xả thải. Thiết bị này kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu sẽ dễ dàng xác định các chỉ số ô nhiễm tại khu vực nào đang tăng cao đột biến, vào thời điểm nào... Từ đó sẽ xác định được doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Theo Dantri