Tâm sự với chúng tôi anh Nguyễn Văn Tuất (Ninh Vân, Hoa Lư) không thể quên được những cảnh nghèo khó thời thơ ấu khi mà gia đình anh phải chạy ăn từng bữa, anh em mỗi người một việc đi làm thuê để phụ giúp bố mẹ. Tâm sự với chúng tôi, anh Tuất cho biết, chính những ngày ấy là động lực giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong công việc sau này. Nhìn cơ ngơi khang trang, bề thế rộng vài ha với 3 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tại Ninh Vân, sử dụng hàng trăm công nhân với doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm khó ai có thể hình dung ra tuổi thơ cơ cực của doanh nhân trẻ này. Nói về những thành công của mình, anh Tuất cho biết, có được ngày hôm nay chính là nhờ vào mảnh đất quê hương, nhờ vào nghề đá truyền từ bao đời nay của cha ông. Khi còn là cậu bé 17, 18 tuổi, anh Tuất đã đi nhiều nơi để tìm kiếm việc làm với khát vọng làm giàu, nhưng rồi cũng chính những chuyến đi ấy đã cho anh trăn trở về câu hỏi: Tại sao trên khắp đất nước có rất nhiều người giàu lên từ ngành nghề quê hương còn mình lại không làm được điều đó. Với ý chí quyết tâm làm giàu trên quê hương, bằng nghề của quê hương, anh Tuất đã trở về Ninh Vân học nghề đá.
Từ lúc sinh ra nghề đá như đã thấm vào trong máu anh vì đây là nghề do ông cha truyền lại nên anh càng học càng say, những đường nét hoa văn ngày càng tinh xảo và thấm đẫm hồn người. Không lâu sau anh đã trở thành nghệ nhân thực thụ. Nhưng không dừng lại ở đó, mong ước của anh Tuất là thành lập được một tổ hợp đá cho riêng mình. Sau bao nhiêu năm trăn trở tìm nguồn vốn anh được vay vốn của Trung ương Đoàn với số tiền 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Nỗ lực vượt khó, chớp mọi thời cơ, bắt nhịp thị trường với một đam mê cháy bỏng, anh đã thành công và tạo ra cho mình một chỗ đứng trên thương trường.
Hiện nay các mặt hàng đá mỹ nghệ của anh đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 70 đoàn viên, thanh niên trong xã, với thu nhập từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng. Không chỉ dừng ở kinh doanh, anh Tuất còn muốn ngày càng khẳng định thương hiệu của làng đá Ninh Vân bằng cách quảng bá sản phẩm với các du khách nước ngoài và theo con đường du lịch, các sản phẩm này sẽ dần có mặt trên khắp thế giới. Anh tâm sự với chúng tôi: "Mình tin một ngày nào đó thương hiệu của các sản phẩm từ làng mình sẽ được "cất cánh" bởi đó là tâm huyết, là kết tinh nghệ thuật cũng như bao mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ sinh ra từ làng"…
Con đường lập nghiệp của Trần Thanh Cao (Khánh Mậu, Yên Khánh) cũng gian nan, vất vả như chính cái nghèo khó của vùng quê nơi anh sinh ra và lớn lên vậy. Là con thứ 4 trong một gia đình 7 anh chị em ở một xã thuần nông, anh Cao hiểu hơn ai hết thế nào là cái nghèo, cái đói. 7 anh chị em mỗi người một nghề, vật lộn với cuộc sống để tồn tại. Anh Cao đã chọn cho mình con đường lập nghiệp trên chính mảnh đất làng. Những ngày tháng khởi nghiệp đầu tiên với anh không dễ dàng chút nào bởi có quá nhiều ngã rẽ, quá nhiều sự chọn lựa. Tốt nghiệp phổ thông, anh vào miền Nam làm thuê hết việc này đến việc khác. Đây cũng chính là quãng thời gian Cao tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và một chút vốn liếng để nuôi mơ ước kinh doanh của mình sau này. Lúc đầu, anh định làm ăn xa nhà, nhưng hình ảnh đồng đất quê hương với những người trẻ tuổi không công ăn việc làm lúc nông nhàn cứ ám ảnh chàng trai trẻ. Anh suy nghĩ tại sao mình lại không tận dụng số lao động này cũng như những vật liệu sẵn có của quê hương để khởi nghiệp. Và nghĩ là làm, anh lặn lội đi về các làng nghề để tìm hiểu cách làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cói, rơm, rồi trở về quê vận động thêm 4 thanh niên lập tổ đại lý cho các doanh nghiệp chuyên chở nguyên liệu và sản phẩm từ cói bằng xe đạp. Nghĩ lại những ngày khởi nghiệp ấy, anh vừa xúc động vừa vui mừng vì mình đã vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất để thành lập tổ hợp sản xuất với nhiều mặt hàng mới lạ từ cói, bèo, bẹ chuối.
Năm 2003 đánh dấu một bước phát triển mới của Doanh nghiệp Thanh Nga khi Cao nhận được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản với hơn 40 nghìn sản phẩm làm từ thân cây lúa non. Nhiều sản phẩm trang trí nội thất được làm từ thân cây bèo, lúa non, bẹ chuối, cỏ lát… rất đẹp mắt lại phù hợp với khí hậu khô lạnh nên được thị trường Châu Âu ưa chuộng. Và cũng chính từ vùng quê nghèo này mà cói, bèo, bẹ chuối đã được "chu du" trời Tây. Sản phẩm của Doanh nghiệp Thanh Nga hiện đã có mặt tại thị trường của 54 nước. Hiện nay, doanh nghiệp có số vốn gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 đoàn viên, thanh niên trong huyện. Sự thành đạt của Cao như anh nói với chúng tôi là xuất phát từ một đam mê cháy bỏng: Làm giàu bằng những nghề truyền thống của quê hương, bằng vật liệu của quê hương và những con người của quê hương.
Nguyễn Văn Tuất và Trần Thanh Cao là 2 gương mặt chúng tôi đã gặp, trò chuyện trong số rất nhiều những thanh niên làm giàu trên mảnh đất làng, bằng nghề truyền thống của làng, bằng nguyên liệu cũng như nguồn nhân lực của làng. Với họ, làng đã sinh ra họ lần thứ 2, là nơi nuôi dưỡng, phát triển những hoài bão, ước mơ và ý chí làm giàu.
Quỳnh Thu