Sau 9 tháng triển khai, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Một số chính sách, dự án giảm nghèo đã được triển khai có hiệu quả như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho 6 xã bãi ngang ven biển; Dự án định canh, định cư, di dân xây dựng vùng kinh tế mới; chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, hỗ trợ con em hộ nghèo trong giáo dục - đào tạo; hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các công tác bảo trợ xã hội...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy và Đề án số 15 của UBND tỉnh về việc giảm nghèo đến năm 2010 đối với 23 xã nghèo trọng điểm đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai hiệu quả.Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 6 xã bãi ngang ven biển, đảm bảo đúng tiến độ, phục vụ tốt đời sống dân sinh cho người dân. Tổ chức 65 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn cách làm ăn cho 5.870 lượt hộ nghèo.
9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 55.663 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền là 285 tỷ 400 triệu đồng để phát triển kinh tế; 439 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở... Bằng việc triển khai đồng bộ các chính sách, dự án về giảm nghèo, công tác giảm nghèo ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo ước tính, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2008 sẽ giảm xuống còn 9,6% (giảm 2,2% so với năm 2007).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những mặt tích cực cũng như các vấn đề còn tồn tại trong công tác giảm nghèo nhằm đề ra các giải pháp tích cực hơn trong thời gian tới. Cụ thể, đối với các vùng khó khăn về cơ sở hạ tầng thì cần tiếp tục hoàn thiện nhằm mở rộng các loại hình thương mại, du lịch. Đơn cử như tại 3 xã: Gia Lạc, Gia Minh, Gia Phong (Gia Viễn), hiện nay kinh phí cho việc xây dựng điện, đường, trường, trạm, nhà máy nước...được lấy từ nguồn dự án phân lũ, chậm lũ tiến độ triển khai còn chậm. Vì vậy, trong thời gian tới cần có phương án thích hợp để các công trình dân sinh ở các địa phương này sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cần có chính sách khoanh nợ cũ đối với các hộ nghèo thuộc vùng khó khăn.
Tạo cơ chế mở rộng thị trường, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ đầu tư một số lò sấy nấm ở một số xã để phục vụ phát triển nghề nấm- một trong những nghề được coi là hướng giảm nghèo khá hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương.
Đức Nghĩa