Gia đình ông Nguyễn Văn Phiến, xóm 7, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn có hơn 1 ha đất ao đầm, xung quanh bờ ao ông trồng cây dành dành. Không mất một đồng phân bón nào, không phải tưới tắm, thuốc sâu, tỉa cành gì nhưng mỗi năm ông Phiến lại thu về 30-35 triệu đồng từ việc bán quả.
Ông Phiến chia sẻ: Thấy cây dành dành dễ sống, hoa đẹp lại thơm nên tôi trồng quanh đầm để làm bờ rào. Sau có người hỏi mua quả dành dành chín về làm thuốc thì bán, được vài đồng tiêu vặt chứ lúc đó cũng chưa nghĩ đến lãi lời gì. Vài năm trở lại đây có nhiều người hỏi mua loại quả này, giá cũng khá nên gia đình mới nhân rộng ra, trồng khắp các bờ đầm. Giờ trong nhà có khoảng 1.000 cây rồi. Cứ tháng 5, tháng 6 là hoa dành dành nở trắng vườn, giống này sai hoa sai quả lắm. Tháng 11, tháng 12, quả dành dành bắt đầu chín, màu đỏ tươi, đó là thời điểm bắt đầu thu hái để bán cho thương lái. Mỗi năm gia đình thu được khoảng 3 - 3,5 tấn quả, với giá bán dao động trên dưới 10 nghìn đồng/1kg, thu 30-35 triệu đồng/năm.
Không chỉ trồng dành dành như ông Phiến, gia đình ông Phạm Công Lý, xóm 9, xã Như Hòa còn là đầu mối đứng ra thu mua quả dành dành của người dân trong và ngoài tỉnh về để sơ chế và bán cho các doanh nghiệp dược phẩm. Ông Lý cho biết: Cây dành dành không chỉ để làm cảnh mà còn là một loại dược liệu quý. Quả của nó có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chỉ huyết, mát huyết, tiêu viêm.
Ngoài ra, dịch quả còn được dùng làm màu thực phẩm. Nhận thấy những giá trị đó của cây dành dành nên tôi đã động viên, hướng dẫn người dân trong vùng phát triển cây trồng này. Để có đầu ra ổn định cho bà con, tôi đã bỏ công, bỏ tiền đi học hỏi công nghệ sơ chế ở tỉnh bạn. Bên cạnh đó, kết nối với các công ty dược liệu để tiêu thụ. Hiện, mỗi năm gia đình ông Lý thu mua hàng trăm tấn quả tươi của bà con trong vùng, kể cả ở Tam Điệp, thậm chí vào tận Thanh Hóa.
Một số người trồng dành dành ở Kim Sơn còn cho biết: Không chỉ để lấy quả, hiện nay, nhiều dân mê cây cảnh còn tìm mua gốc dành dành về chơi, có cây chỉ 3-5 năm tuổi nhưng dáng đẹp được trả giá vài triệu tới hàng chục triệu đồng.
Được biết, hiện nay cây dành dành đang được người dân ở một số địa phương trong tỉnh như các xã: Như Hòa, Kim Tân, Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông (huyện Kim Sơn); xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) và một số xã vùng cao của huyện Nho Quan đưa vào trồng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đây là mô hình trồng cây dược liệu mới, quy mô trồng còn nhỏ lẻ, phương pháp trồng, chăm sóc đang làm theo kinh nghiệm và việc thu hoạch vẫn theo cách thủ công nên chưa đạt được năng suất, giá trị kinh tế tối đa.
Do vậy, thời gian tới rất cần sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính, giá trị của cây dành dành, từ đó, xây dựng kế hoạch phát triển bền vững loại cây dược liệu này, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Hà Phương