Bên cạnh đó, Hoa Lư cũng là địa bàn thuận lợi cho phát triển công nghiệp, TTCN, dịch vụ vì nằm trên hệ thống giao thông Bắc - Nam. Tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, TTCN những năm qua đã và đang từng bước được khai khác và đem lại giá trị kinh tế cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2005 - 2010), BCH Đảng bộ huyện Hoa Lư đã xác định phải lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng để tìm được sự đồng thuận của nhân dân để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ này, BTV Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án".
Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho các dự án trên địa bàn huyện là 334,81 ha. Kèm theo đó là hàng nghìn hộ nông dân không còn ruộng để canh tác, phải chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh việc quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, quy định của Nhà nước, Huyện ủy cũng chỉ đạo các Đảng bộ xã, thị trấn có dự án đầu tư trên địa bàn làm tốt việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tìm được "tiếng nói chung" trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện...
Nhận thức rõ những khó khăn của người nông dân khi chuyển đổi ngành nghề, Huyện ủy chỉ đạo các đoàn thể, địa phương quan tâm công tác đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để người dân có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế. Trong thực hiện nhiệm vụ, với chủ trương: Cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu để nhân dân làm theo được các chi bộ thôn, xóm, phố áp dụng nghiêm túc và hiệu quả. Do đó, hàng loạt các dự án được triển khai trên địa bàn huyện không chỉ nhận được sự nhất trí của cấp ủy, chính quyền mà còn được nhân dân địa phương đón nhận với tinh thần hợp tác tích cực.
Đến nay, huyện đã bàn giao xong mặt bằng cho nhiều dự án quan trọng như: Xi măng Duyên Hà, Lucky, tuyến giao thông thủy Bích Động - Hang Bụt, Khu du lịch sinh thái Tràng An... và gần đây nhất là dự án nạo vét sông Sào Khê đã kiểm đếm xong các hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Đông đến hang Luồn thuộc địa bàn xã Trường Yên...
Từ cuối năm 2003 đến nay, xã Trường Yên đã tiến hành giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án quan trọng về du lịch như: Khu du lịch hang động Tràng An, tôn tạo khu di tích Cố đô Hoa Lư, dự án nạo vét sông Sào Khê. Mặc dù các dự án ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt cũng như đất đai, nhà cửa của nhiều hộ dân trong xã, nhưng Đảng bộ làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo để công tác kiểm đếm, đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được nhanh chóng, thuận lợi.
Đặc biệt, hơn 4 năm qua thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã đã không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng chí Đặng Văn Chớng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để làm tốt nhiệm vụ này, Đảng ủy xã Trường Yên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dự án, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và chủ động xây dựng các phương án giải quyết việc làm cho người dân sau giải phóng mặt bằng.
Không còn đất dành cho sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo chuyển hướng phát triển ngành nghề bằng việc giao cho các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... tiến hành tham quan học tập các mô hình ở những địa phương phát triển mạnh ngành nghề như: Yên Khánh, Kim Sơn..., tìm hiểu, phối hợp với các doanh nghiệp làm nghề thủ công để đưa nghề mới về dạy cho dân như: thêu ren, mây tre đan, móc hộp, se đay, khâu chăn bông....
Ngay từ trong đội ngũ đảng viên của Đảng bộ đã thống nhất quan điểm cán bộ, đảng viên phải đầu tầu, gương mẫu thực hiện việc bàn giao đất đai, nhận tiền đền bù để người dân tin tưởng làm theo. Đối với các chi bộ ở thôn bị ảnh hưởng bởi dự án, sau khi thống nhất trong đội ngũ đảng viên, chi bộ đã tổ chức họp dân để thảo luận, thống nhất phương án thực hiện sao cho hiệu quả, nhanh chóng.
Vì vậy, khi dự án khu du lịch hang động Tràng An đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xã lại tiếp tục nhận được nhiệm vụ mới là giải phóng mặt bằng cho dự án tôn tạo khu di tích cố đô Hoa Lư, nhưng mọi công việc từ kiểm đếm, tiến hành áp giá đền bù, bàn giao mặt bằng... đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Các dự án trên đã ảnh hưởng đến 1.225 hộ dân với diện tích bị thu hồi là trên 500 ha đất lâm nghiệp và 257 ha đất nông nghiệp. Hộ bị thu hồi nhiều nhất là 100% diện tích, hộ ít cũng khoảng 30% diện tích.
Thôn Trường An đến 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đã xuất hiện một số khiếu nại về việc định giá đền bù chưa phù hợp, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chi bộ ở thôn có người khiếu nại thành lập tổ công tác gồm đồng chí bí thư chi bộ, cán bộ mặt trận và các đoàn thể đến tận nhà để nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, giải thích cặn kẽ những quy định, chính sách của Nhà nước trong việc áp giá đền bù, nêu rõ những thay đổi trong việc định giá của từng năm, sự khác nhau về giá đối với mỗi vị trí đất, trách nhiệm của công dân trong việc chấp hành... để người có đơn khiếu nại hiểu rõ.
Do làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nên các dự án về du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, TTCN đã và đang từng bước đem lại việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, góp phần tăng giá trị trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2006 toàn huyện có 1.995 cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN thì đến năm 2008 có 2.083 cơ sở và 106 doanh nghiệp.
Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN tăng cao qua các năm: Năm 2006 là 422,491 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2008 đạt 564,885 tỷ đồng, tăng 300,839 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2007. Đối với du lịch: Số lượng khách du lịch tăng, các cơ sở dịch vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng với 2.326 cơ sở, trong đó có 99% cơ sở kinh doanh của tư nhân. Trong cơ cấu kinh tế của huyện đến nay, công nghiệp - xây dựng chiếm 47%, dịch vụ chiếm 29%, nông nghiệp chỉ còn 24%.
Bùi Diệu