Để đảm bảo an toàn cho khách đến lễ hội, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm có thể xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Phòng y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể địa phương nơi có tổ chức lễ hội tổ chức triển khai nhiều các hoạt động tuyên truyền về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm qua nhiều hình thức như phát thanh trên đài truyền thanh huyện, thành phố, thị xã, đài phát thanh xã, phường; làm băng zôn, kẻ vẽ khẩu hiệu tuyên truyền tại các tuyến đường đông người qua lại; phát tờ rơi tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm các dịch vụ nhà hàng ăn uống phải đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng là người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các dịch vụ ăn uống về việc chấp hành các quy định pháp luật về: các thủ tục hành chính, các điều kiện tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình cơ sở theo quy định của Bộ Y tế, xử phạt hoặc nghiêm cấm những trường hợp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như bày bán thực phẩm sát mặt đất, không che đậy, bao gói không đúng tiêu chuẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc..., đặc biệt là những địa bàn tập trung nhiều điểm du lịch như Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình...; yêu cầu các trạm y tế tại địa phương cũng như Ban quản lý lễ hội cần có quy hoạch bố trí các quán ăn, quầy hàng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thuận tiện cho người đi lại. Chi cục đã chỉ đạo y tế cơ sở hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện việc đăng ký cam kết về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo các điều kiện thiết yếu như nước sạch, quầy - tủ hàng, phương tiện bảo quan thực phẩm... Chi cục cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình thanh tra, hậu kiểm nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, triệt để, sau xử lý phải theo dõi, giám sát việc chấp hành các quyết định xử lý và thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả, kiên quyết không để sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe lưu thông trên thị trường. Đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương các cơ sở vi phạm, các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để cảnh báo người tiêu dùng theo đúng trình tự, thủ tục đã được ban hành. Cho đến thời điểm này, mặc dù lượng khách đông, nhu cầu các dịch vụ ăn uống tăng cao nhưng nhìn chung các cơ sở tại thành phố Ninh Bình, nơi tập trung đông các nhà hàng ăn uống đã chuẩn bị khá tốt nhà xưởng, nơi chế biến và nơi tổ chức ăn uống cao ráo, sạch sẽ. Dụng cụ, thiết bị chế biến, nấu nướng và sử dụng ăn uống qua kiểm tra phần lớn đã bảo đảm được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đầy đủ các phương tiện che đậy, bảo quản thức ăn, lưu mẫu thức ăn... phần nào giảm được nguy cơ ngộ độc xảy ra.
Xung quanh khu núi chùa Bái Đính, đặc biệt là khu ăn chay ngay tại chùa, các cơ sở sản xuất nhập nguyên liệu, các chất phụ gia đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khu chế biến, nấu chín được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, cách biệt nguồn ô nhiễm, nhân viên trực tiếp sản xuất đều có chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức theo quy định và thực hành tương đối tốt về vệ sinh cá nhân trong quá trình chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, tại các địa điểm ngoài cổng chùa vẫn còn các quán hàng ăn mang tính chất tạm bợ. Ban quản lý đã yêu cầu thực hiện nghiêm vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho du khách và nhân dân địa phương trong mùa lễ hội.
Tạ Thu Trang