Để đảm bảo đủ nước tưới phục vụ 41.000 ha lúa vụ đông xuân năm 2014-2015 và nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là vùng bán sơn địa và vùng núi, các ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá nguồn nước và đề ra các biện pháp phòng chống hạn cụ thể cho từng vùng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 45 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích trên 41 triệu m3 có nhiệm vụ tưới cho trên 7.515 ha đất canh tác. Đây là nguồn nước rất quan trọng khi đầu vụ thường không có mưa hoặc lượng mưa thấp, có thể bổ sung tạo nguồn nước cho vùng bơm điện và thủy triều khi nước mặn lên cao và lấn sâu vào nội địa như vùng Đồng Thái huyện Yên Mô.
Hiện tại các hồ do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý đều trữ nước xấp xỉ và thấp hơn dung tích thiết kế. Hệ thống sông ngòi tương đối dày đặc, có 2 con sông lớn là sông Đáy và sông Hoàng Long là nguồn cung cấp nước chính cho hệ thống sông nội địa có tác dụng chứa nước và dẫn nước tưới dồi dào cho toàn vùng.
Chế độ thủy văn vùng cửa sông ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều, dòng triều qua cửa sông đi sâu vào nội địa. Qua quá trình xâm nhập mặn phụ thuộc vào biên độ triều và dòng chảy sông ngòi, có khả năng mặn xâm nhập sâu vào sông nội địa gây khó khăn cho việc lấy nước. Để tăng khả năng dẫn nước và trữ nước cần phải nạo vét các cửa Âu, cửa cống, kênh trục, kênh mương nội đồng...
Để đảm bảo phòng chống hạn vụ Đông xuân năm 2014-2015 đạt kết quả và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, các địa phương triển khai thực hiện tốt các biện pháp tưới tiêu cho từng vùng. Đối với vùng thủy triều, tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép. Thực hiện tốt quy trình đo mặn; quy trình vận hành các công trình liên hệ thống như cống KM 19, Dưỡng Điềm, Dĩ Ninh và Hà Thanh. Trong quá trình lấy nước, âu sông Mới, cống Xanh và âu sông Vân mở liên tục để nâng cao đầu nước cho các cống tuyến đê sông Mới và tiếp ngọt đẩy mặn cho các cống tuyến đê sông Vạc.
Trong trường hợp độ mặn lên cao, xâm nhập sâu vượt quá độ mặn cho phép, công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh chỉ đạo Chi nhánh KTCTTL huyện Yên Khánh, Yên Mô đo gác mặn, tăng số lần đo và đo đuổi lên các cống phía trên để kiểm tra. Nếu khung thời vụ không cho phép phải có phương án chuyển đổi biện pháp tưới hoặc dùng mọi phương tiện của các địa phương như bơm điện, bơm dầu, gầu, guồng... để bơm tát hỗ trợ.
Các huyện , thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh có kế hoạch và chủ động lấy nước làm đất, tưới dưỡng phù hợp với kế hoạch xả nước của các hồ chứa nước thủy điện.
Dự kiến lịch xả nước như sau: Đợt 1 từ 19/01 đến 23/01/2015; đợt 2 từ 29/01 đến 05/02/2015; đợt 3 từ 12/02 đến 17/02/2015. Đối với vùng bơm điện, các trạm bơm tranh thủ lúc triều cường, kênh trục đang chứa đầy nước để vận hành bơm nước.
Tận dụng bơm những thời gian thấp điểm ban đêm để công suất bơm ổn định, hiệu suất bơm cao. Các trạm bơm thuộc huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan… thực hiện tốt phương châm cao xa tưới trước, thấp gần tưới sau; đối với các trạm bơm thuộc huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô phải tận dụng tối đa khi độ mặn cho phép bơm để trữ nước vào hệ thống sông, kênh nội đồng. Khi nước thủy triều thấp, độ mặn cao thì các trạm bơm dã chiến cùng với máy bơm dầu, gầu, guồng của nhân dân tập trung bơm tát đảm bảo đủ nước trong khung thời vụ.
Đối với hệ thống kênh tưới Cánh Diều dẫn nước từ Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình tưới cho một phần diện tích của phường Ninh Sơn, Ninh Phúc thành phố Ninh Bình và các xã phía Bắc huyện Yên Khánh với chiều dài kênh hơn 17km. Hiện trạng số lượng các cống đầu kênh cấp II nhiều, khẩu độ lớn so với diện tích đảm nhiệm. Toàn bộ diện tích khu vực này phụ thuộc nhiều vào hoạt động bơm nước của nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, do vậy việc thiếu nước đặc biệt diện tích cuối kênh rất dễ xảy xa.
Dó đó, Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh chỉ đạo theo đúng quy trình vận hành trạm bơm Khánh An I, TB Khánh Vân, TB Vân Bòng bơm bổ sung nước lên kênh. Các xã Khánh Hòa, Khánh Cư, Khánh An trong giai đoạn đổ ải phải tranh thủ lấy nước thủy triều đệm vào các kênh trục khi triều cường để chuyển đổi biện pháp tạo nguồn kênh sang tạo nguồn triều nếu nước kênh thiếu.
Đối với vùng hồ, hiện tại các hồ đang trữ nước đều bằng hoặc nhỏ hơn mực nước thiết kế, vì vậy khi vận hành hồ phải tuyệt đối tuân thủ kế hoạch đưa nước, quy trình vận hành, triệt để tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nguồn nước các hồ và vận hành điều tiết sát với yêu cầu dùng nước của diện tích lúa để đảm bảo đưa nước tưới suốt vụ. Trường hợp hồ thiếu nước vào thời gian cuối vụ, chủ động mở rộng diện tích bơm điện lấn sang vùng tưới hồ, đối với vùng không có trạm bơm của Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh, đề nghị các HTX nông nghiệp chủ động dùng trạm bơm dã chiến hoặc huy động các máy bơm dầu, gầu, guồng của nhân dân để tưới lấn lên vùng hồ không còn đảm nhiệm được.
Đối với vùng tạo nguồn, các vùng khó khăn về nguồn nước như huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn (khi độ mặn cao) và thị xã Tam Điệp khi thiếu nguồn nước bơm tát Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh bằng các biện pháp nâng đầu nước để cho các phương tiện bơm tát hoạt động đảm bảo thời vụ sản xuất nông nghiệp.
Các HTX nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh trong việc đưa nước tưới, vận hành công trình kịp thời khi triều cường hoặc nguồn nước Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh tạo nguồn đang cao. Các HTX nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo bơm tát nhanh gọn cho những diện tích Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh chỉ đảm nhiệm tạo nguồn nước.
Cùng với việc triển khai thực hiện các biện pháp tưới, Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh và các địa phương đang khẩn trương kiểm tra, sửa chữa các máy móc thiết bị các trạm bơm tưới, đảm bảo 100% máy phục vụ chống hạn; chuẩn bị các phương tiện công cụ bơm dầu, điện dã chiến, thủ công để hỗ trợ cấp nước phòng chống hạn.
Phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương khơi thông các cửa cống, cửa lấy nước vào trạm bơm tưới để đảm bảo nguồn nước tưới cho công trình. Tổng khối lượng kế hoạch nạo vét, đào đắp phục vụ chống hạn vụ đông xuân năm 2014-2015 của toàn tỉnh là 3.137.920 m3, ước kinh phí 162 tỷ đồng. Trong đó Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh nạo vét, đào đắp là 12.097,2 m3, ước kinh phí 1,8 tỷ đồng; nhân dân nạo vét, đào đắp khoảng 2.101.120 m3, ước kinh phí 120 tỷ đồng.
Đối với vùng cao, xa, không có nguồn nước tưới có thể chuyển cây trồng khác cho phù với tình hình thực tế. Các diện tích vùng hạn không có khả năng cấy lúa, nhất là các vùng không có công trình, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh cần kịp thời chủ động chuyển cơ cấu cây trồng, biện pháp tưới cho phù hợp với nguồn nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin tuyên truyền tăng cường tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống hạn hiệu quả. Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình cung cấp đủ điện, đủ công suất để đáp ứng kịp thời nhu cầu bơm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thanh Chiên