Qua công tác khảo sát thị trường, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết của Sở Công thương cho thấy, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng, sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương được đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đánh giá của ngành Công thương cũng nêu rõ trong thời gian những tháng cuối năm 2017 còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân tạo sức ép tăng giá như: Giá cả trong nước có xu hướng tăng trở lại, tình hình mưa bão, dịch bệnh trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là đối với nhóm hàng thực phẩm và rau củ.
Dự kiến quý IV/2017, giá cả các mặt hàng sẽ có sự gia tăng do chi phí đầu vào tăng, dự báo chỉ số CPI cả năm 2017 tăng khoảng 3,5% - 6% so với năm 2016.
Theo dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Ninh Bình trong các tháng giáp Tết Mậu Tuất 2018 ước khoảng 507 tỷ đồng, tăng khoảng 10-20% so với các tháng trong năm. Tình hình giá lúa gạo ổn định do nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, thời gian trước và sau Tết Nguyên đán giá gạo tăng nhẹ, tập trung vào các mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp ngon. Mức tăng không đáng kể do nhu cầu tiêu dùng tăng và thị trường trong tỉnh tự cung cấp được và khai thác từ các địa phương lân cận khác.
Đối với mặt hàng thịt gia súc, nhu cầu tiêu dùng dự kiến tháng Tết có thể lên khoảng 1.270 tấn, trong đó thịt bò khoảng 320 tấn, thịt lợn khoảng 950 tấn. Tuy nhiên, dịp cuối năm và giáp Tết nhu cầu về thịt lợn tăng kéo theo giá thịt lợn có thể tăng lên từ 5-10%. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm khác như thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau củ cũng có xu hướng tăng giá từ 15-25%.
Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát....Bánh, mứt, kẹo, hạt các loại khoảng 1.100 tấn tiêu thụ trong dịp Tết; rượu, bia, nước giải khát khoảng 90 triệu lít; một số loại bánh, mứt, kẹo, rượu bia cao cấp được các doanh nghiệp nhập khẩu, chiếm khoảng 20-25% tổng số lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết.
Các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tại các tuyến phố là nơi bày bán các mặt hàng này. Xăng, dầu, gas trong tháng Tết tăng khoảng 20% so với thực hiện Tết Đinh Dậu, dự kiến khoảng 60 triệu lít. Mặt hàng hoa, cây cảnh, đào, quất dự kiến khoảng 35 tỷ đồng...
Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, một số siêu thị, trung tâm thương mại đã có kế hoạch dự trữ trên 650 tỷ đồng các mặt hàng gạo, bánh kẹo, nước mắm, mỳ tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt, xăng dầu, khí đốt…
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở; các địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh cần chủ động nắm chắc tình hình thị trường.
Tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành và bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, gắn công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường. Hàng hóa phải đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết.
Các đơn vị trực thuộc Sở Công thương cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguyễn Thơm