Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động tài chính - ngân hàng trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh và đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới...
Đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn được củng cố, mở rộng cả về quy mô và chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Trên địa bàn Ninh Bình hiện có 12 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã và 39 quỹ tín dụng nhân dân góp phần đưa nguồn vốn tín dụng đến với 100% thôn, bản của tỉnh.
Trước bối cảnh nền kinh tế những năm qua gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, hàng tồn kho lớn, hiệu quả kinh doanh thấp, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Thực hiện chính sách kích cầu của Chính phủ, chỉ đạo, định hướng của ngành ngân hàng, của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành ngân hàng Ninh Bình đã tích cực triển khai đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Nhiều chương trình ưu đãi cho vay với khách hàng doanh nghiệp đã mang lại hiệu ứng tốt, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 699 tỷ đồng, chiếm 1,2%/tổng dư nợ của các chi nhánh NHTM, ngân hàng HTX, quỹ TDND; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 21,6% so với đầu năm, chiếm 19,6%/tổng dư nợ của các chi nhánh NHTM, ngân hàng HTX, quỹ TDND; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 56 tỷ đồng, chiếm 0,1%/tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, quỹ TDND; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh (Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty cán thép Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng) đến ngày 30/6/2017 ước đạt 3.055 tỷ đồng, giảm 6,9% so với đầu năm, chiếm 5,4%/tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, quỹ TDND; dư nợ cho vay phát triển du lịch ước đạt 1.175 tỷ đồng, tăng 52,8% so với đầu năm, chiếm 2%/tổng dư nợ của các NHTM, ngân hàng HTX, quỹ TDND.
Ngoài ra, NHNN tỉnh đã chủ động tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với các chi nhánh ngân hàng thương mại để khảo sát nắm bắt tình hình, kết quả và những khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp hàng năm báo cáo UBND tỉnh.
Đồng thời, chủ động và tăng cường thiết lập các mối quan hệ công tác thường xuyên với Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, ủy ban MTTQ tỉnh nhằm phối hợp triển khai tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo các tầng lớp nhân dân về một số chính sách của Nhà nước, của Chính phủ liên quan đến các hoạt động tín dụng, ngân hàng…
Cùng với việc phục vụ tốt nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành Ngân hàng cũng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo an ninh và chất lượng tín dụng cho toàn hệ thống. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thanh tra NHNN tỉnh đã tiến hành 13 cuộc thanh tra tại chỗ theo kế hoạch thanh tra năm 2017. Các đoàn thanh tra đưa ra 70 kiến nghị yêu cầu các chi nhánh ngân hàng, TCTD chỉnh sửa. Tiếp tục đôn đốc các chi nhánh ngân hàng, TCTD chỉnh sửa các tồn tại trong kiến nghị thanh tra năm 2016.
Với những động thái nhằm nâng cao chất lượng tín dụng bền vững, tổng nợ xấu của các ngân hàng, TCTD tính đến hết tháng 6 là 1.049 tỷ đồng. Trong đó: Tổng nợ xấu của các NHTM, ngân hàng HTX, ngân hàng CSXH, quỹ TDND là 877 tỷ đồng, chiếm 1,5%/tổng dư nợ; nợ xấu của ngân hàng phát triển là 172 tỷ đồng, chiếm 3,3%/tổng dư nợ. Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh ngân hàng, TCTD có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách của NHNN Việt Nam trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác cung ứng tiền mặt phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Mở rộng đầu tư cho vay, tăng trưởng tín dụng đối với dự án có hiệu quả, khả thi, chú trọng đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt lộ trình kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN và của ngân hàng cấp trên..., phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của tỉnh, phát triển hệ thống ngân hàng Ninh Bình hiệu quả, an toàn, bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm