Phóng viên: Thưa đồng chí, các lễ hội mùa xuân trên địa bàn huyện Yên Mô hiện nay diễn ra như thế nào? Đ/c Vũ Văn Cung: Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Yên Mô có 74 chùa, 71 đền đình,71 miếu phủ, 48 điện thờ và có rất nhiều từ đường, nhà thờ họ tộc được phân bố ở hầu hết các thôn xóm, khu dân cư. Trong số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên đã có 51 cơ sở được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa (11 di tích Quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh). Hàng năm, toàn huyện có từ 60-65 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức. Hầu hết các lễ hội được tiến hành theo truyền thống do cộng đồng tổ chức. Tại các lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian đã được tổ chức như: đấu vật, chọi gà, cờ tướng, tổ tôm điếm, bắt vịt, chơi đu… đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Vì lễ hội là một hình thức sinh hoạt cộng đồng nên nó mang trong mình cả những ưu điểm lẫn nhược điểm. Về ưu điểm, những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội đã được UBND các xã, thị trấn quan tâm, theo đó đã kiện toàn ban quản lý các di tích và thành lập Ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức lễ hội được chọn cử bao gồm các thành viên có uy tín, trách nhiệm trong cộng đồng. Trước khi tổ chức lễ hội, UBND xã, thị trấn đều tổ chức họp Ban tổ chức lễ hội để thống nhất về nội dung, chương trình lễ hội; thống nhất các nội dung, lịch trình tuyến đường tổ chức rước kiệu. Đồng thời UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn như công an, VHTT giúp đỡ về trang trí, khánh tiết, đảm bảo an ninh trật tự. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chấp hành các quy định trong lễ hội. Các biểu hiện lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình cơ bản đã được xóa bỏ.
Ban tổ chức lễ hội ý thức trách nhiệm cao hơn trong công tác chuẩn bị trước khi tổ chức lễ hội. Bản thân người dân đến với lễ hội cũng có thái độ, trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong văn hóa cổ truyền của dân tộc, bảo vệ các di tích lịch sử…
Tuy vậy, hoạt động lễ hội trên địa bàn toàn huyện trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như: việc đốt nhiều vàng mã vẫn còn phổ biến; công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trong lễ hội chưa được duy trì thường xuyên; việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức...
Phóng viên: Vấn đề trọng tâm của lễ hội đầu xuân năm nay tại huyện Yên Mô là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Văn Cung: Trọng tâm của công tác quản lý lễ hội đầu xuân năm 2016 được cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Yên Mô thực hiện là: Tiếp tục triển khai nghiêm túc quy chế thực hiện văn minh trong lễ hội của UBND tỉnh với mục tiêu đưa công tác tổ chức lễ hội vào nề nếp, quan tâm đến việc quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, vệ sinh môi trường, phòng chống các hành vi lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín, dị đoan… Đặc biệt phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tham gia các lễ hội, làm nhân tố tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Các lễ hội trên địa bàn huyện hầu hết được tổ chức từ tháng giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, một số lễ hội được tổ chức ngay trong dịp Tết Nguyên đán, một số xã nhiều lễ hội được tổ chức cùng một thời điểm trên phạm vi toàn xã… Do vậy, công tác chỉ đạo quản lý của các cấp, các ngành cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và sát sao hơn nữa, đặc biệt là phải có sự vào cuộc thực sự của Ban chỉ đạo công tác Tôn giáo, UBND các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Phóng viên: Là cơ quan quản lý hành chính, Phòng văn hóa - Thông tin huyện sẽ làm gì để việc vừa đảm bảo phát huy bản sắc văn hóa trong các hoạt động lễ hội vừa hạn chế thấp nhất những "hạt sạn" của các lễ hội xuân?
Đ/c Vũ Văn Cung: Trước hết, để phát huy được "bản sắc văn hóa" trong các lễ hội cần hiểu đúng đắn các giá trị văn hóa chứa đựng trong các sinh hoạt lễ hội. Theo đó lễ hội dân gian là một hình thái sinh hoạt văn hóa cổ truyền đã trở thành phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Lễ hội được tổ chức để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nhu cầu về tâm linh của nhân dân, giáo dục truyền thống văn hóa và chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Lễ hội còn là nơi thu hút nhiều loại hình hoạt động nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian, là bảo tàng sống về tinh thần. Lễ hội luôn gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, chính vì vậy, thông qua lễ hội cũng góp phần tôn tạo tu sửa di tích, danh thắng, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ chống xuống cấp các di tích. Đồng thời, qua các hoạt động lễ hội góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Để các hoạt động lễ hội dân gian trong những năm tiếp theo khắc phục được những tồn tại và có những bước chuyển biến tích cực hơn, là cơ quan quản lý, chúng tôi đề xuất một số biện pháp như sau:
Các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" lên tầm cao mới. Gắn liền cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa với cuộc vận động thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội một cách triệt để, nghiêm túc.
Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan tham mưu của UBND huyện trong lĩnh vực quản lý lễ hội sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội; thường xuyên kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương để kịp thời chấn chỉnh và rút kinh nghiệm nhằm đưa hoạt động lễ hội trên địa huyện ngày càng đi vào nề nếp.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí
Phương Nam (thực hiện)