Ông Phạm Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: Đây là năm thứ tư, Sở Công thương triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các cơ sở kinh doanh được nhận hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình được xét chọn khắt khe hơn, phải đảm bảo hệ thống phân phối tối thiểu là 100 đại lý hoặc cửa hàng trực thuộc, phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố. Dựa trên các tiêu chí cụ thể, đến nay, Sở Công thương đã chọn được 6 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia Chương trình. Các doanh nghiệp này được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho khoản tiền lãi suất vay từ các ngân hàng để mua hàng hóa dự trữ phục vụ Chương trình trong thời gian 2 tháng. Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi doanh nghiệp là 50 triệu đồng. Nhằm tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bày bán, Sở Công thương yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia Chương trình báo cáo 15 ngày/lần về tình hình dự trữ, kinh doanh các mặt hàng tham gia trong suốt thời gian diễn ra Chương trình.
Ông Phạm Quốc Thắng cũng cho biết thêm, Ban tổ chức luôn đề cao tính thiết thực, hiệu quả của Chương trình. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia Chương trình phải có hệ thống phân phối, thị phần lớn trong kinh doanh các mặt hàng tham gia. Các mặt hàng phải đảm bảo chất lượng, giá cả. Nguồn kinh phí hỗ trợ, các doanh nghiệp phải tự quản lý, sử dụng đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả.
Đến nay, tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thiết lập hệ thống gồm 108 điểm bán hàng bình ổn giá với 231 mặt hàng. Các sản phẩm được tập trung vào các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, cụ thể như: bánh kẹo, mứt các loại, trứng, đường, dầu ăn, nước chấm, mì tôm, mì chính, bia, rượu, nước giải khát... Đây là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của người dân. Các mặt hàng được phân phối phải đảm bảo chất lượng, số lượng, nhãn mác, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp và phải được sản xuất tại Việt Nam.
Đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế những diễn biến bất thường của thị trường như khan hiếm hàng hóa, sốt giá cục bộ trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Từ đó, góp phần kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức một con số, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Chương trình sẽ giúp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là nhân dân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được đón Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, khuyến khích sản xuất phát triển, thiết thực hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từng bước xây dựng các điểm bán hàng Việt bền vững tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Bởi đây là thị trường mà các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng đã và đang được đưa về tiêu thụ nhiều trong thời gian gần đây.
Thái Học