Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động? Đ/c Phùng Minh Chung: Luật an toàn vệ sinh lao động đã quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở với một số nét chính như: Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tham gia xây dựng, hướng dẫn thực hiện, giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy chế, nội quy và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cải thiện điều kiện lao động cho người lao động tại nơi làm việc; tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các biện pháp khắc phục, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động khi phát hiện nơi làm việc có yếu tố có hại hoặc yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người trong quá trình lao động.
Vận động người lao động chấp hành quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Đại diện tập thể người lao động khởi kiện khi quyền của tập thể người lao động về an toàn, vệ sinh lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện khi quyền của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền. Phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên…
PV: Thời gian qua, quyền và trách nhiệm này đã được Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh phát huy và mang lại kết quả như thế nào trong thực tiễn?
Đ/c Phùng Minh Chung: Xác định đảm bảo an toàn cho người lao động là điều quý giá nhất, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc tham gia đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Trước hết là ban hành văn bản hướng dẫn các CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động đẩy mạnh các hoạt động như rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn; quan trắc về môi trường lao động; kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, căng treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan về an toàn vệ sinh lao động,…
Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATVSLĐ cho đoàn viên, người lao động đã được Công đoàn các KCN tỉnh và các CĐCS thực hiện tốt với việc tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hàng nghìn lượt người lao động, trong đó tập trung tuyên truyền Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ.
Cùng với đó, công tác tập huấn, huấn luyện và phối hợp tập huấn, huấn luyện, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động được triển khai thường xuyên. Hàng năm Công đoàn các KCN đã tổ tập huấn về công tác ATVSLĐ cho hơn 400 người; các CĐCS phối hợp với chuyên môn tổ chức 230 lớp tập huấn cho 32.516 người. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua về ATVSLĐ, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc được phát động và triển khai sâu rộng.
Các CĐCS đại diện cho người lao động tiến hành thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp (hiện có 25/37 đơn vị có TƯLĐTT đạt 67,56%). Công tác kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới an toàn toàn vệ sinh viên luôn được quan tâm. Hiện 37/37 doanh nghiệp có mạng lưới ATVSV với 552 người.
Hàng năm, chúng tôi cũng chủ động phối hợp với Ban quản lý các KCN kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Theo đó các đơn vị doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện việc Xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động, kiểm định các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…
PV: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn còn một số vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra tại các khu công nghiệp trên địa bàn, theo đồng chí nguyên nhân là do đâu?
Đ/c Phùng Minh Chung: Năm 2018 đã xảy ra 55 vụ tai nạn lao động, tổng số người bị thương 56 người, trong đó có 6 vụ tai nạn lao động chết người. Nguyên nhân chủ yếu là do một số người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, còn xem nhẹ việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động, chưa tuân thủ đúng quy trình vận hành máy móc để đảm bảo an toàn lao động.
Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ bỏ qua việc trang bị các phương tiện bảo hộ lao động để giảm chi phí sản xuất nên việc đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động chưa được quan tâm đúng mức. Một nguyên nhân khác cũng phải kể đến đó là hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên còn chưa hiệu quả do bận công việc chuyên môn.
PV: Để góp phần khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, đặc biệt trong Tháng công nhân và Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2019, công đoàn các khu công nghiệp tỉnh sẽ có sự vào cuộc như thế nào?
Đ/c Phùng Minh Chung: Tôi cho rằng, để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, công tác tuyên truyền vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về an toàn lao động cho công nhân cũng như chủ doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong CNLĐ, đa dạng hình thức tuyên truyền, chú trọng ở các doanh nghiệp đông CNLĐ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt cách đây ít ngày chúng tôi đã thành lập đoàn tuyển tham gia Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi cấp tỉnh, truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa và nhận dược sự hưởng ứng của đông đảo người lao động.
Cùng với đó chúng tôi cũng hướng dẫn các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với NSDLĐ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 tại đơn vị, doanh nghiệp như: Tổ chức tập huấn về công tác ATVSLĐ cho NLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, bồi dưỡng các kỹ năng nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, thi an toàn vệ sinh viên giỏi; tổ chức phong trào thi đua về ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đào Duy (thực hiện)