Tăng mạnh cả về sản lượng và chất lượng
Việt Nam là một quốc gia có dân số đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam á, do vậy chúng ta luôn coi trọng ANLT, xác định đây là nhiệm vụ sống còn, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu và nhiều bất ổn trên thế giới. Minh chứng sinh động cho vấn đề này chính là mới đây, khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19, người dân lo lắng đổ xô mua lương thực, thực phẩm tích trữ, Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo ngành công thương bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực và các hàng hóa thiết yếu đến 23h đêm cho người dân. Trong tình huống đó nếu không có nguồn thì làm sao bảo đảm được. Vì vậy, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu với bất kỳ quốc gia nào.
ý thức được tầm quan trọng của lương thực, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về Đề án "ANLT quốc gia đến năm 2020". Cùng với cả nước, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án ANLT trên địa bàn tỉnh có thể thấy rõ những thành tựu. Năm 2018, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh là trên 475 nghìn tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 456 nghìn tấn. Hơn 10 nghìn ha rau các loại, chúng ta sản xuất được gần 169 nghìn tấn sản phẩm.
Ninh Bình cũng đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy lợi, tăng cường đầu tư cho hệ thống đê sông, các trạm bơm tưới tiêu; hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi ven biển Kim Sơn và hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng trũng… theo chiều hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển các cơ sở chế biến và bảo quản nông sản. Mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất của tỉnh đã được nâng lên như: khâu làm đất đạt 98,1%; khâu gieo cấy đạt 6,59%; khâu thu hoạch đạt 78,1%; khâu sấy đạt 1,76%.
Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh cũng triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến lúa gạo được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo với hệ thống kho chứa 10.000 m2, sức chứa 9.500 tấn thóc và 6.000 tấn gạo; dây chuyền máy xay xát, đánh bóng, tách màu hiện đại… có công suất 8-12 tấn thóc/giờ. Các cơ sở chế biến thực phẩm phát triển cả về số lượng và quy mô, chủ yếu là các cơ sở chế biến các sản phẩm đóng hộp rau, củ, quả có quy mô lớn như Công ty CP TPXK Đồng Giao, Công ty Việt Xanh, Công ty CPTP á Châu,… với các dây chuyền hiện đại, sản xuất theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm với các HTX, từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu đảm bảo cung cấp thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phát triển hệ thống thông tin ANLT, hàng năm, UBND tỉnh quyết định ban hành các chỉ tiêu hướng dẫn sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp về diện tích, năng suất, sản lượng của các loại cây trồng... để theo dõi, đánh giá diễn biến sản suất lương thực, thực phẩm nhằm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin phục vụ dự báo sản lượng một số loại lương thực, thực phẩm chính; các thông tin về nhu cầu, về thị trường lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế phục vụ chỉ đạo và điều hành sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh.
Hướng tiếp cận mới trong giai đoạn tiếp theo
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự điều hành, tổ chức thực hiện của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Đề án ANLT trên địa bàn, đến nay sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ANLT được đảm bảo, tạo nhiều việc làm cho người dân ở khu vực nông thôn, giải phóng sức lao động trong các khâu sản xuất; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn được đổi mới tích cực. Tuy nhiên qua mỗi thời kỳ luôn có những yêu cầu mới được đặt ra. ở Việt Nam đã xuất hiện những vấn đề ANLT phi truyền thống, tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện, vẫn còn nhiều trẻ suy dinh dưỡng. Trong khi đó chế độ dinh dưỡng của đa số người dân hiện chưa hợp lý, năng lượng chính vẫn chủ yếu đến từ nhóm chất bột, đường. Tình trạng ô nhiễm đất, nguồn nước, việc gia tăng các loại dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi là những mối đe dọa không thể xem thường. Ninh Bình cũng không nằm ngoài những tác động đó. Ngoài ra, tỉnh ta cũng đang phải chịu những áp lực khá lớn từ đô thị hóa, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, rồi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Trong khi đó, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình chưa được thiết kế và thực hiện đồng bộ; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu; công tác dồn điền, đổi thửa thực hiện còn chậm, gây khó khăn trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số huyện chưa chặt chẽ, còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm.
Nhằm góp phần đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia và nhu cầu sử dụng lương thực trong tỉnh, một phần cho xuất khẩu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, thời gian tới, tỉnh đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh sản xuất thâm canh lúa, nhất là ở vùng quy hoạch cánh đồng lớn, tạo nguồn cung lương thực ổn định. Đến năm 2025, bảo vệ diện tích đất lúa gieo cấy 36.500 ha/năm; giữ ổn định diện tích trồng ngô khoảng 6.000 ha, sản lượng 21 nghìn tấn; rau các loại 11 nghìn ha, sản lượng 170 nghìn tấn; sản lượng các loại cây màu tăng trên 10%. Đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng, cải thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng lương thực; toàn bộ nông sản, lương thực tiêu thụ trên thị trường đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong mọi điều kiện, tình huống. Đảm bảo thu nhập cho người sản xuất lương thực đến năm 2025 cao hơn 2,5 lần so với hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp được đưa ra là: Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; chú trọng các vùng sản xuất lương thực có sản lượng lớn lúa, ngô, rau đậu, cây ăn quả, đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh ở các vùng này. Bên cạnh đó, xem xét để chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, con nuôi khác để cải thiện thu nhập cho người nông dân. Tăng cường năng lực cho nghiên cứu khoa học, lựa chọn và khuyến cáo người dân tiếp thu giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện không thuận lợi như kháng mặn, hạn, chịu ngập úng, giống cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến để giảm thất thoát sau thu hoạch, nhất là với cây lúa. Xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), phát triển kinh tế vườn, đồi. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng... Từ đó, xây dựng các phương án tổ chức ứng phó kịp thời. Đặc biệt, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo.
Hà Phương