Bánh trung thu tăng giá nhẹ Theo khảo sát của chúng tôi, các hãng bánh Trung thu năm nay chủ yếu vẫn là của các công ty như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị... với bao bì, mẫu mã đa dạng. Theo một số chủ đại lý bánh kẹo trên địa bàn tỉnh, giá cả bánh Trung thu năm nay của các hãng đều tăng nhẹ, nguyên nhân được các hãng giải thích là do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Hiện các loại bánh của Bibica tăng nhẹ khoảng 5%, giá bình quân dao động từ 37.000 đến 140.000 đồng/chiếc; dòng bánh sang trọng, cao cấp, giá từ 370.000 đến 1.300.000 đồng/hộp. Sản phẩm của Mondelez Kinh Đô có mức giá dao động từ 35.000 đồng đến 460.000 đồng/bánh.
Bên cạnh các dòng bánh có giá bình dân, dao động từ 40-80 nghìn đồng/chiếc (tùy theo vị và trọng lượng) thì để đáp ứng nhu cầu biếu, tặng của khách hàng, các thương hiệu đã cho ra mắt các dòng sản phẩm bánh cao cấp với thiết kế sang trọng, có giá dao động từ 400-700 nghìn đồng/hộp 4 chiếc (tùy vị và tùy trọng lượng).
Ngoài ra, các hãng bánh còn hướng đến sản xuất dòng sản phẩm bánh dành cho người ăn kiêng và người bị bệnh tiểu đường với giá khoảng từ 50-60 nghìn đồng/chiếc.
Theo những người bán hàng, thời điểm này chưa có nhiều khách mua hàng mà thường phải từ 10-8 (âm lịch) thị trường mới nhộn nhịp. Năm nay, do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bánh năm nay tăng nhẹ từ 3-5%.
Ngoài các thương hiệu lớn thì các cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống ở Ninh Bình cũng đang hoạt động hết công suất. Chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Cơ sở đã nhập nguyên liệu từ quý III.
Năm nay giá nguyên liệu như bột và đường đều tăng từ 10-12% nên giá bánh sẽ có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nên bánh của các cơ sở nhỏ chỉ tăng khoảng 1-2%. Hiện bánh của cơ sở đã được phân phối cho tất cả thị trường các huyện và đến tận vùng xa trung tâm ở huyện Nho Quan, Kim Sơn.
Theo chủ cơ sở này cho biết tính trung bình mỗi vụ trung thu riêng cơ sở đã cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn bánh thành phẩm.
Theo các nhà sản xuất bánh, Trung thu là mùa kinh doanh phức tạp nhất trong năm bởi tính mùa vụ ngắn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất rất "đau đầu" tìm lợi thế thu hút khách hàng, tăng doanh số. Năm nay, không chỉ cố gắng tạo ra sản phẩm, bao bì mẫu mã mới, các doanh nghiệp còn tung ra nhiều "chiêu" để thu hút khách hàng.
Nhiều sản phẩm có hình thù con thú như cá chép, đàn lợn, gấu.. đã được các doanh nghiệp cho ra mắt để thu hút thiếu nhi. Ngoài ra, các đại lý còn trích triết khấu bán hàng của mình để giảm giá cho khách từ 10-15%.
Hàng handmade được ưa chuộng
Cùng với các nhà sản xuất lớn thì bánh trung thu handmade (bánh trung thu làm thủ công tại nhà) vốn được khách hàng rất ưa chuộng trong những năm gần đây cũng đã rao bán nhiều trên các website hoặc các trang mạng xã hội như Facebook…
Mặc dù các sản phẩm này được sản xuất với số lượng nhỏ, nhưng có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Ưu điểm của loại bánh handmade là số lượng ít, được quan tâm về hương vị, nên thu hút được lượng lớn khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng làm việc ở các cơ quan, công sở.
Ngay thời điểm này, dưới sự hỗ trợ của mạng xã hội facebook trong việc quảng cáo, giới thiệu về bánh handmade, nhiều bà nội trợ đã nhận được đơn đặt hàng của khách. Họ dùng nhiều cách để quảng bá sản phẩm, như chụp ảnh cách chọn nguyên liệu, quy trình làm bánh đảm bảo vệ sinh nhằm tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng.
Bánh Trung thu handmade cũng phong phú về chủng loại, giá cả cạnh tranh, được sản xuất từ bàn tay khéo léo của những người nội trợ, nên dòng sản phẩm này thu hút được không ít khách hàng sành ăn.
Trên facebook, chị Lê Thu Hiền đã giới thiệu về bánh Trung thu handmade từ hơn 1 tháng trước. Theo chị Hiền giới thiệu, sản phẩm bánh của chị được làm theo công thức cũ với nhân thập cẩm và hạt dưa. Mặc dù là hàng handmade nhưng vẫn có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở y tế.
Đồng thời sản phẩm bánh cũng được chia thành nhiều phân khúc với giá cả và mẫu mã bao bì khác nhau. Trung bình 1 chiếc bánh từ 45.000-60.000 đồng.
Mặc dù giá cả cũng tương đương với giá các loại bánh có thương hiệu như Bibica, Hữu Nghị nhưng khách hàng dường như đang có xu hướng ưa chuộng dòng bánh truyền thống nên khách hàng đặt bánh qua facebook của chị Hiền khá đông.
Chị Hiền cho biết: Khách hàng phải đặt trước khoảng 5 ngày mới có bánh gửi về. Đến thời điểm này chị đã có hơn 1.000 đơn hàng. Chủ yếu khách hàng đặt trước để làm quà biếu.
Trên trang "Hội buôn bán thành phố Ninh Bình", nhiều facebook cũng đang "ăn theo" trào lưu làm bánh Trung thu handmade. Chị Thanh Hà (thành phố Ninh Bình) cho biết: Ban đầu chị chỉ định làm bánh để cho gia đình sử dụng và biếu anh em bạn bè thân thiết.
Nhưng sau khi chia sẻ trên facebook, nhiều người muốn đặt bánh nên chị mới quyết định làm thêm để bán. Sản phẩm bánh của chị không phải làm bằng các nguyên liệu truyền thống mà bằng các loại củ như: khoai lang tím, khoai lệ phố và các nguyên liệu bột gạo...
Bánh đa dạng về mẫu mã, màu sắc lại đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng ăn chay, chính vì thế cũng khá đắt khách. Với số đơn hàng như hiện nay, cứ 2 ngày chị Hà lại làm một mẻ bánh và ship luôn cho khách.
Đặc điểm các loại bánh handmade là không sử dụng chất bảo quản nên thời gian bảo quản ngắn chỉ từ 5-7 ngày nên chị cũng không sản xuất ồ ạt vì sợ không đảm bảo.
Theo đánh giá của các nhà phân phối, dự báo trong dịp Tết Trung thu năm nay, lượng bánh trung thu tiêu thụ sẽ tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chủ đại lý thì bánh sẽ đủ cung cấp cho thị trường và không có tình trạng khan hiếm hàng.
Các địa chỉ bánh handmade cũng vào "guồng quay", chú trọng đầu tư về nguyên liệu, tập trung giải quyết các đơn hàng mà khách đã đặt. Trước yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chất lượng bánh Trung thu năm 2016 sẽ được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bảo Yến