Từ khi thực hiện Chương trình Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2005-2010 (Chương trình 212), các hình thức phổ biến pháp luật đa dạng và phong phú hơn. Hình thức tuyên truyền miệng không chỉ được thực hiện tại các hội nghị triển khai văn bản, hội nghị tập huấn mà còn thực hiện qua các buổi nói chuyện chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế, hay các hội nghị chuyên đề về thực hiện Luật Quản lý thuế… Công tác tuyên truyền còn được cán bộ của các cơ quan tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện dưới nhiều hình thức tuyên truyền cá biệt cho một vài đối tượng khi tiến hành giải quyết vụ việc. Cách phổ biến pháp luật này được người nghe tiếp thu một cách tích cực, nhờ đó tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm hẳn.
Để có số thu ngân sách vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều mặt công tác, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về thuế. Việc tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế là việc mà người nộp thuế đã dần quen, nhưng để vận động và khai thác nguồn thu, nhiều cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp đã đến thăm, tìm hiểu, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, động viên doanh nghiệp cùng chung sức, chung lòng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách. Để có được kết quả giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, có vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật. Các cấp, các ngành vào cuộc mạnh mẽ, sự vào cuộc đó còn ghi dấu ấn của các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới đa dạng hơn, phong phú, trực quan và sinh động hơn. Các hình thức cổ động, diễu hành, sân khấu hóa các quy định của pháp luật thành tiểu phẩm sân khấu để truyền tải đến đối tượng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Các câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý, phụ nữ với pháp luật, phòng, chống tội phạm, phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ làm chồng - làm cha, nàng dâu - mẹ chồng, ông - cháu; câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" của những người có HIV… là những hình thức phổ biến pháp luật hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc. Những loại hình câu lạc bộ đó đã và đang góp phần phổ biến pháp luật cho nhân dân địa phương, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng ở các khu dân cư.
Có dịp đi khảo sát về tình hình công tác tuyên truyền pháp luật ở các xã nghèo, các xã đại diện cho từng vùng, miền khác nhau trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy đa số các địa phương có hệ thống truyền thanh 3 cấp hoạt động tốt. Người dân địa phương đánh giá cao vai trò của hệ thống truyền thanh với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hệ thống truyền thanh không chỉ là phương tiện báo thức, báo giờ, thông báo tin đấu giá đất… mà những thông tin pháp luật hết sức bổ ích, giúp nhân dân địa phương hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, về việc làm, về đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, về phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1, về bồi thường, hỗ trợ khi tiêu hủy gia súc, gia cầm…
Hình thức phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2008 có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Báo Ninh Bình có nhiều chuyên trang, chuyên đề chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau trên hầu hết các số báo như: Đất đai, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lao động việc làm, chính sách xóa đói, giảm nghèo, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, an toàn giao thông, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật…
Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh tiếp tục duy trì nhiều chuyên mục về an ninh - quốc phòng, pháp luật và đời sống, lao động, việc làm… đồng thời mở mới mục giải đáp pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới qua hộp thư truyền hình, trả lời bạn xem truyền hình, nghe đài…
Công tác hòa giải cơ sở cũng là một hình thức phổ biến pháp luật giữ vai trò quan trọng ở các khu dân cư đã triển khai được 10 năm theo Pháp lệnh Hòa giải cơ sở. Những hiệu quả về mặt kinh tế cho dù chưa thể tính được bằng tiền nhưng lợi ích về mặt xã hội đem lại thật to lớn. Hòa giải cơ sở giúp giữ tình làng, nghĩa xóm, bảo đảm an ninh chính trị tại địa phương.
Đến nay, hầu hết các thôn xóm, cụm dân cư, tổ dân phố đều có các tổ hòa giải. Hàng chục nghìn vụ việc được hòa giải thành tại cơ sở trong những năm qua đã tiết kiệm kinh phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, bình quân mỗi vụ xét xử tranh chấp dân sự, lao động, hôn nhân -gia đình, Nhà nước phải chi 20 triệu đồng thì với hàng nghìn vụ hòa giải thành công mỗi năm lợi ích về kinh tế - xã hội từ công tác hòa giải mang lại cho mỗi địa phương là không nhỏ.
Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động về các thôn, xóm các xã vùng xa, vùng có nhiều khó khăn được quan tâm, chú trọng hơn những năm trước. Nhiều người muốn tiếp cận các thông tin pháp luật, dịch vụ pháp lý cho nhu cầu cá nhân để bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình nhưng không có điều kiện để đến với các trung tâm trợ giúp pháp lý do phải đi quá xa.
Các đợt trợ giúp pháp lý về thôn, xóm là cách làm hay, hướng về cơ sở để phục vụ các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Trợ giúp pháp lý lưu động còn nhằm giải tỏa bức xúc của người dân về những vấn đề dân chưa hiểu chính quyền cơ sở, là cầu nối gửi nguyện vọng của dân với chính quyền, là cách giải thích thấu lý, đạt tình của chính quyền về những đề nghị của dân.
Những năm trước đây, để có văn bản pháp luật chủ yếu là việc mượn đọc, sao chụp tài liệu công báo, sách pháp luật ở thư viện hay tại các tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn thì hiện nay các thông tin pháp luật có thể tìm kiếm nhanh trên mạng Internet. Báo Ninh Bình điện tử kịp thời cung cấp các thông tin về văn bản pháp luật mới, giúp người đọc có điều kiện tra cứu và nhận văn bản pháp luật trên mạng Internet.
Việc có hàng chục nghìn lượt người truy cập Báo Ninh Bình điện tử mỗi ngày cho thấy nhu cầu phổ biến pháp luật thông qua mạng Internet là rất lớn. Ban quản lý dự án cải cách hành chính tỉnh trang bị máy tính nối mạng Internet và tủ sách pháp luật cho thôn Trung Chính (mô hình thí điểm ở xã Gia Hòa) được bà con trong thôn đánh giá cao.
Năm 2008 ghi nhận nhiều thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh. Đóng góp vào thành tựu chung đó có dấu ấn quan trọng của các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với sự tham gia tích cực của các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
Những hình thức phổ biến pháp luật này cần được quan tâm nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức tuyên truyền sẽ có hiệu quả thiết thực cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tạ Quý Dương