Tới thăm gia đình CCB Phạm Văn Hùng, xóm 6 Vân Tiến, xã Khánh Vân (Yên Khánh) nhận thấy sự vượt khó vươn lên không mệt mỏi của người CCB công giáo này. Gần 15 năm theo nghề trồng nấm, vượt qua bao thăng trầm, khó khăn hiện CCB Phạm Văn Hùng trồng chủ yếu nấm sò, mộc nhĩ và nấm linh chi ổn định trên diện tích gần 3 nghìn m2 lán trại. Tâm sự về nghề trồng nấm, CCB Phạm Văn Hùng cho biết, năm 2000, ông là một trong vài người đầu tiên đưa nghề trồng nấm về thôn Vân Tiến nói riêng, xã Khánh Vân nói chung.
Xuất phát từ việc tình cờ xem trên truyền hình có hộ trồng nấm tại Hà Tây, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn mục nhĩ, vài chục tấn nấm tươi, thu lãi hàng trăm triệu đồng, CCB Phạm Văn Hùng bàn bạc và cùng với anh trai của mình "khăn gói" tìm đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Học được kỹ thuật trồng nấm, trở về nhà, ông Hùng đổi ruộng lấy đất và dựng lán trại. Nhưng không phải bắt tay vào làm là được luôn, vài năm đầu, gặp bão gió, lán trại đổ xiêu vẹo, kinh nghiệm chưa có nhiều, hiệu quả không cao, đã có lúc ông Hùng định bỏ nghề, quay lại sản xuất nông nghiệp.
Nhưng rồi với ý chí quyết tâm của một người CCB, ông nhủ thầm, người ta làm được, tại sao mình lại không và hiểu rõ "thất bại là mẹ của thành công", ông quyết tâm bắt tay vào làm lại và dần dần cho những thành công. Vài năm gần đây, 3 loại nấm được ông trồng chủ yếu do hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định là nấm sò, mộc nhĩ và nấm linh chi. Mỗi năm ông thu vài chục tấn nấm sò tươi, hàng chục tấn mục nhĩ khô và 6-8 tạ nấm linh chi, trừ mọi chi phí cho lãi hàng trăm triệu đồng. Đến nay, sau 14 năm gắn bó với nghề trồng nấm đã mang lại cho ông cuộc sống ổn định, khá giả với ngôi nhà cao tầng khang trang, con cái trưởng thành và giải quyết việc làm cho gần chục lao động trong gia đình và người dân trong thôn xóm.
Đồng chí Nguyễn Nhật Huy, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Khánh cho biết: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo trong gia đình hội viên CCB vừa là động lực, vừa là nhiệm vụ lâu dài, quan trọng giúp hội viên gắn bó với tổ chức Hội. Theo đó, các cấp hội CCB trong huyện đã trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn, từng tổ chức, từng hội viên để đẩy mạnh phong trào này bằng việc đứng ra tín chấp cho hội viên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp.
Toàn Hội hiện có 73 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 2.300 hộ vay, số tiền trên 43 tỷ đồng. Ngoài ra còn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Hội là 270 triệu đồng cho 13 hộ vay đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi. Đồng thời, các cơ sở Hội còn thành lập được các tổ góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Toàn huyện hiện có 130 tổ góp vốn giúp nhau, với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn hiện có, cán bộ, hội viên đã phát huy tính năng động, sáng tạo tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm dần. Hiện toàn huyện chỉ còn 106 hộ nghèo, bằng 1,5%; hộ cận nghèo là 157 hộ, bằng 2,2%.
Huyện hội đã tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho CCB phát huy mọi tiềm năng, nội lực và tranh thủ các nguồn lực về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các ngành, các cơ quan chức năng để phát triển các mô hình kinh tế, gắn phát triển kinh tế với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về các mô hình làm kinh tế giỏi, hỗ trợ, giúp đỡ các chương trình vay vốn tạo việc làm, tạo hành lang pháp lý để hội viên phát triển các mô hình kinh tế với nhiều hình thức đa dạng, như doanh nghiệp, tổ hợp; liên doanh, liên kết; hợp tác xã; trang trại, gia trại…
Toàn huyện hiện có 12 doanh nghiệp do CCB làm chủ, trong đó có 3 doanh nghiệp tham gia vào Hội doanh nhân CCB tỉnh Ninh Bình. Các doanh nghiệp phát triển tốt, doanh thu hàng năm từ 3 đến 5 tỷ đồng trở lên, lãi từ 300 triệu đồng trở lên/năm. Tiêu biểu như doanh nghiệp kinh doanh vật liệu của hội viên Đào Xuân Thái, xã Khánh Hồng; doanh nghiệp Máy nông nghiệp của hội viên Đặng Ngọc Toàn, xã Khánh Hòa; doanh nghiệp máy nông nghiệp của hội viên Phạm Đăng Ngát, xã Khánh Nhạc...
Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho trên 300 lao động với mức lương bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra các doanh nghiệp còn tích cực trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện và tham gia hỗ trợ làm nhà cho các gia đình chính sách. Trong số 3 tổ hợp, hợp tác xã trên địa bàn huyện, có 2 tổ hợp sản xuất nấm và một tổ hợp mây tre đan. Các tổ hợp luôn duy trì được hoạt động, doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên, hàng năm lãi từ 100-400 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-10 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp, CCB huyện Yên Khánh đã nỗ lực xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện có 15 trang trại do CCB làm chủ, tập chung chủ yếu là các mô hình chăn nuôi lợn-cá; lợn-vịt; nuôi hươu, bò, chim bồ câu pháp; nuôi ba ba, cá lóc bông; làm nấm; trồng cây ăn quả... Hầu hết các trang trại đều phát triển tốt, doanh thu hàng năm từ 100-300 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu như các trang trại của hội viên Đinh Văn Chính, xã Khánh Nhạc; trang trại làm nấm của hội viên Trần Văn Tư, xã Khánh Vân; mô hình nuôi chim bồ câu pháp của hội viên Nguyễn Đình Biếc, xã Khánh An…
Từ đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, tổ hợp, HTX, các mô hình phát triển kinh tế, nâng số hội viên CCB giàu tăng nhanh qua các năm. Hiện tỷ lệ hộ gia đình CCB giàu chiếm 14,68%, hộ khá là 40,05%, hộ trung bình là 40,64%...
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh