Hiệu ứng từ cuộc vận động
Sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động đã có sức lan tỏa lớn và làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng Việt. Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Sơn, thành phố Ninh Bình cho biết: Là một trong sáu doanh nghiệp lớn của tỉnh phân phối hàng hóa tiêu dùng, nhiều năm nay Công ty chỉ kinh doanh phân phối các mặt hàng sản xuất trong nước như đường, sữa, mì tôm, dầu ăn... Để cạnh tranh với những sản phẩm nhập ngoại của Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Công ty đã xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với từng thời điểm, đến nay hàng hóa của doanh nghiệp đã cung ứng cho hơn 200 đầu mối trong toàn tỉnh.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: Trong khi một số công ty phân phối khác cũng đã nhập thêm nhiều sản phẩm của nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn kiên trì kinh doanh hàng tiêu dùng Việt Nam. Tôi nhận thấy các sản phẩm của Việt Nam ngày một tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá lại vừa phải. Quan trọng hơn là chúng tôi khi nhập hàng biết rõ được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ đó tạo uy tín với người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, trong năm 2018, Sở đã tiếp nhận 2.050 chương trình khuyến mại của 95 doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại đạt 347 tỷ đồng, trong đó có 25 chương trình khuyến mại mang tính may rủi với giá trị khoảng 758 triệu đồng; các doanh nghiệp đã tổ chức 2 hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp phân phối lớn đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng, các sản phẩm Việt Nam để tổ chức hệ thống phân phối. Hiện nay, các mặt hàng công nghệ phẩm mà các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu là hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị cũng đã nhận thức được ý nghĩa của Cuộc vận động nên tỷ lệ hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Tại siêu thị Big C, siêu thị Vinmart, siêu thị Lan Chi Mart tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm tới 90% trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh tại siêu thị.
Đặc biệt, trong năm 2018, Sở Công thương đã phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công ty TNHH Ngọc Sơn, Chi nhánh Công ty cổ phần EB Hải Phòng tại Ninh Bình tổ chức 2 chương trình đưa hàng Việt về KCN Gián Khẩu và KCN Khánh Phú với các sản phẩm tham gia chương trình là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, mắm muối, mì chính, xà phòng,... mang thương hiệu Việt, phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân.
Lựa chọn hàng Tết tại Siêu thị G7 (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường Giang
Đưa cuộc vận động lên tầm cao mới
Phải thừa nhận rằng, hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu của mình. Chính vì lẽ đó, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay người tiêu dùng Việt không còn tâm lý sính ngoại nặng như trước, họ ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, thương hiệu. Vì thế, sản phẩm nào tốt, giá trị và giá thành phù hợp sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu.
Để Cuộc vận động thực sự có hiệu quả, tác động rõ rệt đến nền sản xuất trong nước, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, thông tin quảng bá sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động bằng việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa; mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp; thường xuyên quán triệt, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong mua sắm công và tiêu dùng cá nhân.
Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá: Khi tinh thần yêu nước được khơi gợi, trở thành nếp văn hóa, trở thành hơi thở của cuộc sống, của mọi công dân thì câu chuyện tiêu dùng hàng hóa trong cuộc sống sẽ thay đổi. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy người dân của các quốc gia đã và đang phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản... luôn ý thức về văn hóa tiêu thụ, nghĩa là tiêu thụ sản phẩm trong nước, với họ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, như một cách khẳng định giá trị của quốc gia mình. Vì thế chúng ta phải xem Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không phải là để bảo vệ người sản xuất, cũng không phải chủ trương bảo hộ hàng hóa trong nước mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh ta đã ghi nhận những kết quả tích cực. Tuy nhiên để cuộc vận động "chuyển biến về chất" bên cạnh việc ủng hộ sản xuất trong nước, tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, hợp lý giá cả, mở rộng thị trường phân phối, chăm sóc khách hàng thì mới đứng vững, hơn thế còn có thể vươn xa ra thị trường nước ngoài để góp phần khẳng định trí tuệ Việt, hàng Việt trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.
Xuân Trường