Đây là năm thứ 16, Tổng cục tổ chức cuộc điều tra này. Kết quả điều tra là nguồn tư liệu quý, khách quan cho các cấp lãnh đạo nắm bắt tình hình của doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng, sự phân bố và ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Nguyễn Bình, Phó cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Cuộc điều tra doanh nghiệp năm nay còn có mục tiêu nhằm thu thập thông tin đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế, khi mà trong các năm qua Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại với các nước và khu vực: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, TPP...
Bên cạnh đó, cuộc điều tra cũng đánh giá được tình hình ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp; cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp làm dàn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê hàng năm, điều tra thường xuyên và các yêu cầu thống kê khác.
Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra (tên doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại, fax, email; loại hình doanh nghiệp; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh...). Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động.
Các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh (tài sản và nguồn vốn; kết quả sản xuất, kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư...). Thông tin về các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp (tên cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; sản lượng/sản phẩm; lao động; doanh thu...).
Tình hình sử dụng công nghệ/máy móc thiết bị sản xuất; công nghệ thông tin và truyền thông; cơ cấu đầu vào/đầu ra và quan hệ với nhà cung cấp, khách hàng; các kênh chuyển giao công nghệ; năng lực đổi mới và cải tiến công nghệ; tình hình cạnh tranh...
Thông tin về hội nhập quốc tế (sự hiểu biết của doanh nghiệp về các hiệp định thương mại; tác động của các hiệp định thương mại đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...) với 22 loại phiếu.
Điểm mới và khác của cuộc điều tra năm nay là ngoài các phiếu điều tra chung của Tổng cục và riêng cho tỉnh (1A LĐ- Thu thập thông tin về nguồn nhân lực; 1B- Thu thập thông tin về các doanh nghiệp ngoài nhà nước và HTX; 1Am-Thu thập thông tin về sử dụng công nghệ) còn có phiếu 1A.10-Thu thập thông tin về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp.
Điểm khác nữa là các phiếu điều tra chuyên ngành vừa áp dụng cho các doanh nghiệp đơn (không có các chi nhánh, cơ sở trực thuộc) vừa áp dụng cho các cơ sở trực thuộc của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở nếu có nhiều hoạt động thì mỗi hoạt động áp dụng một phiếu chuyên ngành và là cơ sở để tính toán lại về tốc độ tăng trưởng GDP ở các địa phương vốn còn chưa thống nhất với GDP của cả nước.
Cục đã xây dựng phương án, lên kế hoạch, lựa chọn điều tra viên, bố trí giám sát, tập huấn, quy định chế độ báo cáo và giao cho tổ thống kê công nghiệp - xây dựng, TCHC điều tra doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hoạt động sản xuất chính là công nghiệp và xây dựng; điều tra một số doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng ngoài nhà nước trọng điểm.
Tổ thống kê thương mại: Điều tra doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động thương mại và dịch vụ; điều tra một số doanh nghiệp hoạt động thương mại, dịch vụ ngoài Nhà nước trọng điểm.
Tổ Thanh tra: Điều tra một số doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tổ thống kê tổng hợp: Điều tra doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành tài chính; điều tra một số doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tổ thống kê nông nghiệp: Điều tra các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hoạt động chính thuộc ngành nông, lâm, thủy sản; điều tra một số doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Chi cục thống kê huyện, thành phố: Điều tra doanh nghiệp ngoài nhà nước; điều tra toàn bộ các HTX.
Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 3-2016 và dự kiến đến tháng 11-2016 sẽ phổ biến kết quả tổng hợp nhanh và đến tháng 12-2016 sẽ phổ biến kết quả đầy đủ điều tra doanh nghiệp.
Trưởng phòng Thống kê Công nghiệp-Xây dựng (đơn vị tổng hợp kết quả điều tra) Lê Thanh Tùng cho biết: Việc chọn điều tra viên, giám sát viên và tổ chức tập huấn đã được thực hiện ở tuần đầu tháng 3. Trước đó Cục đã lên phương án, kế hoạch điều tra chi tiết cụ thể, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc điều tra.
Từ trung tuần tháng 3, các đơn vị bước vào thực hiện điều tra và sẽ kết thúc công việc này vào ngày 31-5-2016. Đến thời điểm ngày 15 tháng 4, các tổ điều tra của Cục và huyện, thành phố đã thực hiện được 717 phiếu trong tổng số 7.984 phiếu được giao.
Ông Ngô Minh Dương, cán bộ Thống kê Công ty CP Phân lân Ninh Bình chia sẻ: Là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty đã đảm bảo đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo thống kê hàng tháng, hàng quý không chỉ với tỉnh, Cục Thống kê tỉnh mà còn với Tập đoàn.
Với cuộc điều tra năm nay, doanh nghiệp đã được tập huấn thu thập thông tin; biểu mẫu chi tiết, rõ ràng. Điểm mới và khác của cuộc điều tra năm nay là: Các chi nhánh của Công ty hoạt động ở các tỉnh bạn (chủ yếu ở phía Nam) thì có phiếu điều tra riêng, ngoài ra còn có phiếu điều tra về mức độ sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp.
Vấn đề này Ông Phạm Mạnh Ninh, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã biết và nắm khá rõ về các hiệp định thương mại, hiệp định đối tác mà Việt Nam đã ký kết với các nước và khu vực thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, hội nghị, cuộc họp, văn bản cấp trên... Công ty CP Phân lân Ninh Bình đang hướng đến các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài: Malaixia, Hàn Quốc, úc, Nhật Bản...
Nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm trên chủ yếu là trong nước (Apatit Lào Cai, than Quảng Ninh) nên khi tham gia vào các hiệp định thương mai, hội nhập có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, để hội nhập thành công, Công ty vẫn phải tiếp tục đầu tư vào KHCN; đổi mới trang thiết bị, máy móc; tiết giảm chi phí...nhằm có được sản phẩm với chất lượng và giá thành tốt nhất.
Đinh Chúc