Lợi ích thiết thực Nếu như trước kia, để quảng bá, liên kết điểm đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn phải mất rất nhiều thời gian và phải trả một khoản kinh phí khá lớn cho việc quảng cáo trên truyền hình, báo, đài, phát tờ rơi, tập gấp, bản đồ, giới thiệu các tour và giá mỗi tour du lịch… thì nay, thông qua ứng dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, website thông minh và tổng đài ảo... giá thành chi phí quảng cáo, tiếp thị và thời gian lao động dành cho nó đã giảm đi rất nhiều.
Ông Hoàng Văn Sựng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn nhận định: Đây là một lợi thế to lớn do công nghiệp 4.0 mang lại. Hiện nay, việc liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch để chia sẻ khách, dịch vụ, chia sẻ lợi nhuận diễn ra hết sức thuận lợi, tạo nên môi trường kinh doanh hiện đại, lành mạnh.
Đặc biệt, từ khi hệ thống du lịch thông minh tỉnh Ninh Bình được xây dựng với công nghệ tiên tiến nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phần mềm đã mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị kinh doanh; tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh...
Được biết, đến nay đã có trên 200 đơn vị, đạt gần 100% các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tham gia cập nhật dữ liệu vào hệ thống du lịch thông minh Ninh Bình.
Trước những bước tiến mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân không thể thờ ơ mà phải chủ động đón nhận và nỗ lực thực hiện. Mặc dù là đơn vị sản xuất nhỏ nhưng những năm qua Nhà máy gạch Yên Thành, thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bá, Yên Mô đã không ngừng cải tiến, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và đảm bảo môi trường.
Ông Hoàng Bá, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Xác định đặc thù của ngành sản xuất vật liệu xây dựng là ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của người lao động, vì thế ngay từ khi mới đi vào hoạt động doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại sử dụng hệ thống lò nung kiểu đứng vào sản xuất để hạn chế ô nhiễm môi trường. Dùng bơm áp lực lên ống khói để hạn chế bụi trong khói thải ra.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng nhà xưởng với công nghệ hiện đại để khắc phục hơn nữa tình trạng bụi trong quá trình sản xuất. Với tổng mức đầu tư lên đến gần 50 tỷ đồng, Nhà máy đang hướng đến việc đổi mới quy trình sản xuất với công nghệ bán khô, tăng thời gian phơi đất nguyên liệu độ khô lên đến 80% thay vì chỉ khô 20% như hiện nay. Đầu tư máy công suất lớn ép gạch. Công nghệ này góp phần giảm thời gian phơi gạch thành phẩm, giảm chi phí nhân công và hạn chế tối đa tình trạng bụi bẩn do việc phơi gạch gây ra.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 5.376 doanh nghiệp tư nhân; trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp trên 95% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, việc tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối hạn chế. Nguyên nhân là do trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nhiều doanh nghiệp không hiểu được bản chất của cách mạng 4.0; không thấy được sự liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng về năng lực để tiếp cận công nghệ, từ đó không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh để bắt kịp xu thế.
Chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Anh Đinh Quang Tấn, Giám đốc Trung tâm CNTT - VNPT Ninh Bình cho rằng: Sẽ khó thể hình dung hết được quy mô của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển tổng thể của xã hội. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Ninh Bình, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải chủ động bắt đầu ngay từ cơ sở hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý doanh nghiệp cũng như quy trình hóa, số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kết nối an toàn...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, với vai trò của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên kết nối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các viện nghiên cứu mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các lớp về quản trị doanh nghiệp, phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu…
Được biết, những năm qua, nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý để "đồng hành" tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là hệ thống đường giao thông, mặt bằng sản xuất; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giao thương, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong thời gian tới, để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu thị trường; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động.
Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc liên kết cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh với cơ quan quản lý Nhà nước để nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xác định định hướng phát triển cho doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
Nguyễn Thơm