Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong và ngoài nước, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã chủ động đẩy mạnh việc cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Hải quan để tạo điều kiện tối ưu nhất cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ứng phó với tình hình dịch bệnh và sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra sau thông quan, qua đó góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước lĩnh vực Hải quan.
Ông Thân Văn Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chi cục chỉ lựa chọn những doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, không gặp khó khăn trong việc phòng chống dịch để có thể phối hợp thuận lợi với đoàn kiểm tra. Khi tiến hành một cuộc kiểm tra, Chi cục đã thu thập thông tin, nghiên cứu xây dựng kế hoạch định hướng theo các chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm, tránh kiểm tra tràn lan, kém hiệu quả.
Đồng thời, rà soát, cập nhật, tổng hợp phân tích thông tin vi phạm của doanh nghiệp trên các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành: VNACCS/VCIS, hệ thống quản lý vi phạm (QLVP 14), hệ thống STQ01, STQ02, hệ thống quản lý rủi ro RMS, CRMS, hệ thống gia công sản xuất xuất khẩu, nghĩa vụ thuế và các hệ thống thông tin khác có liên quan phân tích thông tin số lượng tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu, mặt hàng xuất nhập khẩu, nghĩa vụ thuế và các hệ thống thông tin khác có liên quan, các nguồn thông tin khác từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ đó để đánh giá mức độ tuân thủ, xếp hạng của doanh nghiệp, để xuất các doanh nghiệp đưa vào kế hoạch kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch, kiểm tra sau thông quan trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm nhằm đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2021, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã ban hành 35 quyết định kiểm tra, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính gần 6 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động rà soát thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số mức thuế tại khâu thông quan, sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai tên hàng không rõ ràng; thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá.
Qua những sai phạm được phát hiện, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã đề xuất lãnh đạo Cục chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả, chống thất thu thuế và gian lận thương mại.
Đồng thời, Chi cục đã cùng với các đơn vị trong toàn Cục và doanh nghiệp tập trung phân tích, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân sai phạm, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định, tuân thủ pháp luật, không để lặp lại các sai sót và tránh phát sinh những vi phạm khác có thể xảy ra trong thời gian tới.
Do vậy, chất lượng, hiệu quả của các cuộc kiểm tra sau thông quan được nâng cao, đáp ứng thời hiệu, thời hạn, đạt được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và phát sinh nợ thuế.
Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý về hải quan trong tình hình mới, Chi cục sẽ tiếp tục thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch định hướng và kế hoạch chi tiết để triển khai các chuyên đề: Chuyên đề đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng xuất khẩu, chuyên đề kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu; Chuyên đề hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ, mã số, trị giá khai báo của một số mặt hàng nhập khẩu, kinh doanh, thuốc, dược phẩm y tế, các mặt hàng nhập khẩu theo Danh mục miễn thuế, mặt hàng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được theo quy định tại Thông tư số 05/2001/TT-BKHĐT ngày 17/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt, Chi cục sẽ tập trung thực hiện kiểm soát những đối tượng rủi ro cao vi phạm pháp luật phát sinh trong từng thời kỳ, vừa hạn chế tối đa thời gian kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về hải quan. Tập trung đánh giá thông tin, phân tích rủi ro các lô hàng luồng xanh có dấu hiệu rủi ro cao, các lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ về mã số, trị giá, xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, Chi cục cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị trong ngành Hải quan, phối hợp trong ngành Tài chính như cơ quan Thuế, kho bạc, phối hợp giữa các ngành có liên quan. Đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và nợ thuế.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm