Suốt lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với nông nghiệp, công việc đồng áng không ai dạy, trong gia đình cha mẹ, con cái làm việc, truyền nghề theo lối "cha truyền con nối". Cứ như vậy đời tiếp đời, một năm 2 vụ chính. Và tháng 5, tháng 6 hàng năm là thời điểm vụ thu hoạch lúa đông xuân diễn ra khẩn trương. Khắp nơi, những người nông dân hối hả, tất bật… tạo nên không khí ngày mùa sôi động các vùng quê. Tranh thủ thời gian gặt đến đâu làm đất ngay đến đó để chuẩn bị cấy lúa mùa sớm, thu hoạch đúng lịch, dành thời gian làm vụ đông.
Lúa sau khi được gánh lên bờ, bà con nông dân chọn một đoạn đường bê tông rộng rãi để tuốt lúa bằng máy. Những năm qua, việc đưa các phương tiện cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân, không còn cảnh đập lúa bằng néo gỗ, néo tre hay dùng trâu kéo con lăn bằng đá... để tách lúa khỏi rơm.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn, gần đây là thi đua xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều vùng quê có những con đường được đổ bê tông rộng rãi. Vào ngày mùa, nhiều người sử dụng lòng đường làm nơi phơi lúa...
... và phơi rơm. Đến những vùng quê vào những ngày này, mùi lúa, mùi rơm thơm nồng khiến cho cảm giác oi bức mùa hè dịu lại.
Trong quy trình sản xuất của nhà nông, phụ nữ đóng vai trò chính trong nhiều công việc. Khởi đầu là làm đất, chọn giống reo mạ, và kết thúc là việc rê lúa, chọn hạt chắc, mẩy để đóng bao bảo quản, sử dụng cũng đều qua tay người phụ nữ.
P.V