Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa: Năng động vượt khó trong đại dịch COVID
Thứ Năm, 26/08/2021, 09:00
Zalo
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa (huyện Yên Khánh) đã từng bước phục hồi sản xuất, khơi thông thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa: Năng động vượt khó trong đại dịch COVID
Từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đặc biệt, trong tháng 7 và tháng 8/2021 , nhiều tỉnh, thành phố phải tập trung thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên hoạt động xuất khẩu có thời điểm bị gián đoạn.
Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa cho biết: "Hiện nay Công ty đang liên kết với các làng nghề của 3 huyện (Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn) làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo bồng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là châu Âu.
Năm 2020 tuy ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng những tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu đã khởi sắc trở lại đã giúp Công ty xử lý hết các đơn hàng và có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu của Công ty năm 2020 ước đạt 120 tỷ đồng. Nhưng từ tháng 4 năm 2021, khi đại dịch COVID-19 quay trở lại đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu, Công ty gặp khó khăn trong vấn đề xuất hàng, các chi phí tăng cao"
Cũng theo ông Khuyến, giá cước vận tải đường thủy đi châu Âu đã tăng 8-10 lần so với trước và hàng hóa cập bến nhập khẩu ít, thiếu container rỗng để xuất hàng dẫn đến hàng tồn kho cao. Lượng hàng tồn kho từ tháng 4 đến tháng 7 của Công ty có giá trị xuất khẩu ước lên đến 60 tỷ đồng. Với khó khăn đó, Công ty không dừng sản xuất mà tiếp tục nhận hàng từ các vệ tinh trong tỉnh, hoàn thiện thành phẩm để đủ số lượng các đơn hàng đã ký kết, chờ cơ hội khơi thông đường vận chuyển hàng hóa.
Cùng với đó, Công ty đã dành thời gian nghiên cứu, tạo thêm mẫu mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nhu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, nếu cứ đứng yên một chỗ, khi dịch đi qua sẽ không kịp bắt nhịp với yêu cầu mới. Thời gian khó khăn vừa qua cũng tạo cơ hội để Công ty tập trung quảng bá sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, thu hút thêm các đơn hàng mới, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Với sự năng động, nhạy bén, thay đổi để thích ứng với tình hình mới đã giúp Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa giữ vững thị trường và hoạt động xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu khả quan trở lại từ tháng 8 này khi có các container xuất bến. Lượng hàng trong kho giảm xuống, ước giá trị còn hơn 20 tỷ đồng.
Công ty vẫn đảm bảo việc làm cho 125 lao động thường xuyên và trên 4.000 lao động ở các làng nghề của Yên Khánh và các địa phương lân cận. Đây là tín vui, là động lực để Công ty tiếp tục nỗ lực trong thời gian tiếp theo.
"Hiện Công ty đã có các đơn hàng lớn đến hết năm 2021. Nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, Công ty đã có chiến lược sản xuất, kinh doanh và phương án thích ứng phù hợp. Đó là tiếp tục cải tiến mẫu mã, thiết kế sản phẩm mới phù hợp với xu hướng và thị hiếu của khách hàng nước ngoài. Đầu tư nâng cấp kho tàng và đầu tư các máy móc thiết bị phục vụ trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Chủ động phối hợp với các đối tác nước ngoài để cập nhật mẫu mã mới, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia… Qua đó nâng tầm thương hiệu và sức cạnh tranh sản phẩm của Công ty trên thị trường quốc tế" ông Khuyến cho biết thêm.
Công ty nỗ lực cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để được công nhận đạt chất lượng OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Cùng sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, thời gian tới, Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh.
Ngoài hỗ trợ các chính sách về thuế, cần quan tâm nhiều đến tín dụng trong việc thực hiện miễn giảm lãi suất, gia hạn thời gian thanh toán nợ, cơ cấu lại nợ, tiếp tục tái đầu tư vốn… Vì phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ và gần như 100% đều có giao dịch với ngân hàng.
Quan trọng hơn là các doanh nghiệp mong muốn khi thực hiện các chính sách hỗ trợ phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Bởi thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, phần lớn doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận do một số quy định khắt khe không phù hợp.
Năm 2021 tiếp tục là một năm với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mong muốn các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thêm việc làm cho nhiều lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.