Cậu reo to khi tôi quyết định nhận cậu vào học nghề. Bỗng giọng cậu trùng xuống: Nhưng cháu là người tàn tật! Người tàn tật cô có nhận không? Tôi ngạc nhiên trước sự "sòng phẳng" của cậu. Sự "sòng phẳng" đó có lẽ có được sau nhiều lần cậu đi xin việc bị thất bại. Rút kinh nghiệm, để tránh bị… vui "hụt", những lần xin việc sau này cậu đều "khai" tình trạng sức khỏe của mình. Biết cậu tàn tật, tôi lại càng muốn nhận vào học và làm. Chẳng phải vì tôi thương nên nhận cho cậu vui, mà thực sự tôi tin cậu bé sẽ thành công" - chị Phạm Thị Kim Yến (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Lập Phong) kể lại.
Niềm tin năm xưa của chị, nay đã trở thành hiện thực. Cậu bé ấy - em Bùi Phú Hương bây giờ đã là một trong những công nhân kỹ thuật lành nghề nhất của Công ty. Hương vừa thoăn thoắt tạo vóc cho sản phẩm, vừa tâm sự: "Em bị tàn tật bẩm sinh. Em biết, bố mẹ thương em nhiều lắm, nhưng vì nhà em nghèo quá nên không có điều kiện đưa em đi chữa bệnh. Học lên cấp II, em phải nghỉ học giữa chừng vì đau yếu luôn. Khi sức khỏe phục hồi, em muốn đi làm để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Nhưng đi đâu xin việc người ta cũng từ chối.
Thực tế, chính quyền cũng đã rất quan tâm tới đối tượng tàn tật như em. Vào những dịp lễ, Tết…, đại diện chính quyền đều đến thăm và tặng quà, em thấy được an ủi rất nhiều. Nhưng em không muốn "nhận" mãi như vậy. Em muốn được học nghề, được đi làm để tự nuôi bản thân mình, bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khi Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Lập Phong thành lập, em giấu bố mẹ, đi bộ gần chục cây số đến để xin học nghề. May mắn đã mỉm cười với em. Em được nhận vào học nghề miễn phí…".
Trước tấm lòng nhân ái của Giám đốc Phạm Thị Kim Yến, Hương ngày đêm miệt mài học tập. Trong mỗi tiết học, Hương như "nuốt" từng lời của giáo viên. Nhuần nhuyễn lý thuyết, em bắt tay vào thực hành. Hương kể: "Nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Với người bình thường đã khó, với người tàn tật như em lại càng khó hơn. Những lần thực hành đầu tiên, em liên tiếp thất bại. Nhưng được sự uốn nắn, chỉ bảo và động viên của giáo viên, của cô Yến, em tiến bộ dần và cuối cùng đã thành công. Nhìn sản phẩm của mình được bày bán cho khách du lịch, được xuất khẩu ra nước ngoài em tự hào lắm". Hiện nay, mức thu nhập của Hương đạt gần 2 triệu đồng/tháng. Với thu nhập đó, em không chỉ đảm bảo được cuộc sống cho mình, mà còn có điều kiện phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Sản xuất hàng mỹ nghệ tại Công ty. Ảnh: Đức Lam
Hoàn cảnh của em Nguyễn Văn Tuân thì khó khăn hơn. Em bị câm, điếc bẩm sinh. Nhận em vào học và làm thực sự là thử thách lớn. Bởi lẽ, giao tiếp được với em còn khó, huống chi là dạy nghề cho em. Chị Phạm Thị Kim Yến cho biết: "Nhận Tuân rồi, tôi mới thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề. Để có thể dạy nghề được cho Tuân, chúng tôi phải tự học thêm kỹ năng giao tiếp với những người câm, điếc. Ban đầu, chúng tôi phải nhờ cả… phụ huynh tới lớp để làm "phiên dịch". Nhưng rồi cũng quen, dần dần chúng tôi hiểu được những gì em nói, và truyền đạt cho em hiểu bài giảng. Bây giờ Tuân đã làm việc thành thạo, thu nhập của em khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng hơn là em đã sống rất vui vẻ, lạc quan và biết quan tâm tới mọi người".
Không chỉ quan tâm tới những người khuyết tật, đến nay Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Lập Phong đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đặc biệt là những lao động thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ các dự án du lịch, xây dựng Cụm công nghiệp Gián Khẩu.
Chị Trần Thị Năm, thôn Tập Ninh, xã Gia Vân cho biết: "Ruộng đất nhà tôi phải thu hồi. Rời ruộng ra vợ chồng tôi chẳng biết làm gì. Chồng tôi đi Quảng Ninh làm ăn vài tháng, nhưng không đủ đảm bảo cuộc sống quá nên phải trở về quê. May mắn sao chúng tôi được nhận vào học nghề và làm việc tại Công ty. Công việc phần lớn là làm thủ công, nên tôi đảm đương được. Nếu làm chăm chỉ, mỗi tháng vợ chồng tôi cũng thu được hơn 3 triệu đồng, mà lại không phải "dầm mưa, dãi nắng".
Chị Phạm Thị Kim Yến, Giám đốc Công ty cho biết: "Niềm tin của người lao động vừa là động lực, lại vừa là thách thức đối với Công ty chúng tôi. Làm thế nào để phát triển sản xuất, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp".
Xác định rõ nhiệm vụ, thời gian qua, Công ty không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu sản phẩm đẹp, mang tính nghệ thuật rất độc đáo, đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển thị trường. Những sản phẩm đó đã đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng khó tính như: Mỹ, Tây Ban Nha, úc… Không chỉ xuất khẩu, sắp tới, những sản phẩm của Tân Lập Phong sẽ hướng về người tiêu dùng trong nước. Dự báo, đây sẽ là thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng…
Thu Hằng