Ông Vũ Văn Trường, Chi nhánh trưởng Chi nhánh KTCTTL huyện Yên Khánh cho biết: Ngay từ khi nhận được thông tin bão số 4 có khả năng đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh, Chi nhánh đã chỉ đạo 100% quân số trực để thực hiện nhiệm vụ và tăng cường nhân lực từ các trạm bơm tưới về các trạm bơm tiêu trên địa bàn; vận hành các máy bơm tiêu rút nước đệm; bố trí lực lượng và phối hợp với các địa phương liên tục vớt bèo, rác, vật cản trên sông tiêu và cửa cống. Vùng tiêu nước bằng thủy triều mở các cửa cống hết khẩu độ tiêu nước đệm trong kênh, ngòi ra sông.
Đối với vùng trũng, thấp phối hợp với các HTX nông nghiệp dùng các phương tiện như máy bơm vô ống, máy bơm dầu bơm nước ra hệ thống kênh ngòi để hệ thống bơm tiêu của Chi nhánh đưa ra sông. Trên địa bàn huyện Yên Khánh có 9 trạm bơm tiêu với 70 máy bơm, tổng công suất 208.700 m3/h; tùy theo lượng nước trên kênh tiêu và cửa hút mà các trạm vận hành từ 2-4 máy...
Theo Chi nhánh KTCTTL huyện Gia Viễn, từ ngày 29/8, Chi nhánh đã thực hiện vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm trong đồng. Ngày 3/9, trạm bơm Gia Viễn đã vận hành 6 tổ máy/12 tổ máy (tổng công suất 96.000 m3/h) nhằm chống úng cho vùng bên tả sông Hoàng Long với 13 xã, thị trấn và KCN Gián Khẩu. Toàn huyện có 26 trạm bơm tưới tiêu kết hợp, trong đó đã vận hành 20 trạm bơm tiêu nước ra sông và tùy theo mực nước ở bể hút, các trạm bơm vận hành từ 1 đến 4 máy bơm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Công ty phối hợp với các địa phương thực hiện tốt phương án phòng, chống lụt bão năm 2019, chỉ đạo các chi nhánh tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống và khu vực thấp, trũng trước khi xuất hiện mưa bão; bố trí đầy đủ vật tư, nhiên liệu, nhân lực chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng. Kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các công trình trọng điểm như hồ chứa, cống tuyến đê, đảm bảo an toàn cho công trình khi mưa lũ xảy ra. Trong đợt mưa bão vừa qua, Công ty đã vận hành gần 30 cống (gồm cống dưới đê và cống hồ), vận hành hàng trăm máy bơm của 69 trạm bơm tiêu úng.
Bên cạnh đó, Công ty còn hợp đồng với 225 HTX nông nghiệp trong tỉnh chủ động khơi thông dòng chảy và vận hành các trạm bơm tiêu của mình, như: bơm vô ống, máy bơm dầu để tiêu úng khi có diện tích lúa bị ngập. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống úng, ngay từ đầu năm, các Chi nhánh của Công ty đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa bão và tiến hành tu bổ, sửa chữa các máy bơm, đảm bảo 100% máy móc vận hành hết công suất phục vụ phòng, chống úng. Công ty cũng đã tăng cường công tác kiểm tra và chạy thử tất cả các trạm bơm tiêu úng, kịp thời phát hiện những hư hỏng phát sinh, có kế hoạch sửa chữa đảm bảo phục vụ có hiệu quả công tác chống úng. Các Chi nhánh đã chuẩn bị sẵn vật tư cần thiết phục vụ cho sản xuất và chống úng.
Ngoài ra, công nhân của Công ty thường xuyên phối hợp các xã, thị trấn, HTX tiến hành kiểm tra, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Các Chi nhánh đã xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, phù hợp. Tùy theo hiện trạng công trình thủy lợi và địa hình, thủy thế mỗi vùng để có các giải pháp tiêu nước chủ lực, hữu hiệu: Tiêu bằng thủy triều, bằng động lực hoặc thủy triều kết hợp động lực.
Đợt mưa bão vừa qua, lượng mưa không lớn, lại được tiêu nước đệm kịp thời... nên không gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa. Tuy nhiên, để ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm nay và đảm bảo an toàn cho diện tích lúa màu của tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh sẽ chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết khí hậu, phối hợp với các địa phương tiếp tục tiêu nước những diện tích bị úng; tiêu kiệt nước đệm ở khu vực thấp trũng khi trời có mưa; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình trọng điểm như hồ chứa nước, đảm bảo an toàn khi mưa lũ xảy ra.
Trường Sinh