Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Để vượt qua thách thức này, trong những năm gần đây, Ban lãnh đạo công ty đã lựa chọn hướng đi mới là: Đầu tư khoa học, công nghệ đủ năng lực cạnh tranh với thị trường; xác định 3 yếu tố cơ bản của hướng đi này là: Xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ cao. Tìm kiếm, lựa chọn công nghệ tiên tiến theo hướng "đi tắt đón đầu" và tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, vật tư, thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho công tác nghiên cứu, triển khai, thực hiện các tiến bộ kỹ thuật. Trong các yếu tố trên, yếu tố con người, hay nói cách khác là nguồn nhân lực khoa học công nghệ được công ty đặc biệt quan tâm. Từ năm 2010, công ty đã thực hiện chính sách "chiêu hiền, đãi sỹ" với việc mời, gọi, tuyển dụng những người có học vấn, có trình độ, có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống cây trồng và con nuôi vào làm việc tại công ty với chế độ không thua kém các doanh nghiệp kinh doanh giống nổi tiếng trong nước. Với chính sách ấy đã có hàng chục cán bộ tâm huyết hội tụ về công ty, hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn và thực hành cao. Bộ máy tổ chức của công ty cũng được đổi mới theo mô hình Tổng công ty và Trại giống lúa Khánh Nhạc trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao AIQ. Các chi nhánh: Gia Viễn, Khánh Mậu, Khánh An là những đơn vị có chức năng vừa nghiên cứu khảo nghiệm, vừa sản xuất dòng cây trồng mới. Để không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Tổng công ty đã liên tục cử nhân viên theo học các khóa đào tạo chuyên ngành, như: Quản trị doanh nghiệp, Maketing, Xây dựng thương hiệu, Xây dựng mô hình, Kỹ năng lai tạo, đánh giá chất lượng giống và thường xuyên tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm của các đơn vị trong ngành ở trong và ngoài nước. Tổ chức mời các chuyên gia về trao đổi, tư vấn cho đội ngũ cán bộ chuyên môn... Nhờ đó mà đội ngũ cán bộ của Tổng công ty đã từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu hội nhập của ngành giống tỉnh nhà.
Trong những năm qua, Tổng công ty đã tập trung tìm hiểu và tiếp nhận các công nghệ: Lai tạo giống lúa lai F1 (Hệ hai dòng, ba dòng); Giống ngô lai F1 (Lai đơn và lai kép); Nhân dòng bố-mẹ đối với lúa và ngô; Tuyển chọn các giống lúa thuần; Công nghệ nhân các chủng men, vi sinh phục vụ cho chế biến phân hữu cơ, phân bón lá, xử lý chuồng trại chăn nuôi. Với quan điểm mở rộng hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, Tổng công ty đã xây dựng mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và mở rộng địa bàn chuyển giao khoa học công nghệ và sản phẩm cho 40 tỉnh, thành trong nước. Nhờ đó mà Tổng công ty đã chủ động được sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là các giống: Lúa thuần năng suất cao, Hoa ưu 109; Lúa lai F1 hai dòng TS1 và HYT106; Lúa lai 3 dòng Nhị ưu 838, Thục hưng 6; Giống ngô lai đơn VN595... Trung tâm AIQ đã tập trung nghiên cứu và tuyển chọn thành công hơn 700 tổ hợp lúa thuần thế hệ mới theo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, như: Nhóm năng suất cao, Nhóm chất lượng cao... Đã có 10 tổ hợp giống lúa triển vọng được khảo nghiệm và hoàn thiện thủ tục để công nhận giống; hơn 60 tổ hợp lai hai dòng, ba dòng ra đời từ AIQ đang hoàn thiện quy trình, công nghệ để sản xuất giống F1 với quy mô lớn. Chế phẩm sinh học, xử lý chuồng trại, rác thải đã được nhiều trang trại chăn nuôi tiếp nhận và sử dụng.
Ông Tổng giám đốc công ty cũng cho biết: Để phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển, Tổng công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các hạng mục, như: Hệ thống nhà lưới; Cải tạo 100 ha khu đồng trung tâm AIQ để sản xuất lúa theo công nghệ cao; Đầu tư 2 dây chuyền chế biến lúa, ngô công suất 50 tấn/ngày; xây dựng hệ thống kho chứa 1.000 tấn giống đảm bảo đúng theo quy chuẩn của Bộ. Tổng công ty cũng đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án "Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu" với quy mô 40.000 tấn/năm, mức đầu tư 150 tỷ đồng.
Đinh Chúc