Các ngành công nghiệp, xây dựng, điện năng sử dụng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do một số phụ tải công nghiệp lớn đi vào sản xuất, như Công ty xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng Hướng Dương. Các nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hệ Dưỡng; Phân lân Ninh Bình tăng cường sản xuất.
Ở ngành thương nghiệp và dịch vụ, điện năng sử dụng cũng tăng cao do các hoạt động dịch vụ ở thành phố Ninh Bình đang trên đà phát triển, các điểm du lịch được đưa vào khai thác mở rộng, thu hút khách du lịch. Điện dùng cho quản lý, tiêu dùng của dân cư tăng ít, do khách hàng sử dụng tiết kiệm và Công ty thực hiện tiết giảm điện ở nơi đó.
Với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và những chủ trương phát triển kinh tế, nhất là việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm đưa công nghiệp và du lịch phát triển thì nhiều nhà máy, xí nghiệp, dự án lớn sẽ được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Do vậy, nhu cầu phụ tải điện cũng tăng cao.
Trước tình hình trên, nếu không có biện pháp kiên quyết thực hiện tiết giảm điện một cách triệt để, sẽ dẫn tới tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, phòng Kinh doanh và Điện nông thôn của Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình tham mưu cho lãnh đạo để báo cáo với UBND tỉnh về tình hình cung cấp điện và sử dụng điện của các đối tượng khách hàng trên địa bàn. Lập phương án tiết giảm điện năng khi thiếu nguồn trình UBND tỉnh và các cấp. Thường xuyên theo dõi sản lượng điện đầu nguồn để có phương thức vận hành tối ưu. Kiểm tra việc thực hiện tiết giảm điện năng theo kế hoạch ở các đơn vị...
Phòng điều độ chủ trì theo dõi việc tiết giảm điện hàng ngày ở các chi nhánh. Phối hợp đồng bộ với các chi nhánh trong việc cắt phụ tải đỉnh (từ 9-11 giờ) và tiết giảm điện hàng ngày theo chỉ tiêu của Công ty. Các Chi nhánh điện lực làm việc với các khách hàng lớn trên địa bàn, yêu cầu giảm công suất vào giờ bình thường, không sản xuất vào giờ cao điểm. Các chi nhánh lập phương án tiết giảm điện luân phiên, đảm bảo đúng công suất phân bổ và tính công bằng, có xét đến thứ tự ưu tiên đã được tỉnh duyệt.
Đối tượng tiết giảm là các khách hàng sinh hoạt khu vực nông thôn, các khách hàng sinh hoạt khu vực thị xã tùy theo điều kiện cụ thể sẽ cấp điện luân phiên theo phương án được duyệt. Khách hàng sản xuất sử dụng điện qua trạm biến áp chuyên dùng. Công ty thực hiện nghiêm túc quy định về ngừng giảm cấp điện theo thông báo để chủ động trong sản xuất. Đối với điện chiếu sáng công cộng; quảng cáo, các cơ quan quản lý thực hiện phương thức vận hành hợp lý "đóng muộn, tắt sớm", điều chỉnh linh hoạt đóng, tắt theo mùa và giảm 50% đèn chiếu sáng quảng cáo ở các trục đường chính; giảm 70% đèn chiếu sáng quảng cáo tại các tuyến phố một cách hợp lý. Các khách hàng là cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện tiết kiệm tối đa, sử dụng hợp lý và có hiệu quả điện.
Các khách hàng sản xuất tư nhân mà lĩnh vực sản xuất không thuộc diện ưu tiên, chỉ được sản xuất vào giờ thấp điểm (ban đêm). Đối với khách hàng sản xuất công nghiệp, vận động tăng cường sản xuất vào giờ thấp điển, khi ngừng cấp điện sẽ có thông báo theo quy định để không ảnh hưởng đến sản xuất.
Trường hợp đặc biệt (sản xuất công nghiệp lớn), lãnh đạo Công ty làm việc trực tiếp, thỏa thuận cắt giảm phụ tải vào giờ cao điểm. Các trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp lập lịch cụ thể để có kế hoạch cấp điện hợp lý và tăng cường hoạt động vào giờ thấp điểm. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2009, Công ty đã tiết kiệm được 10.615.140 KWh, đạt 125,7% so với chỉ tiêu giao là 8.440.000 KWh.
Vũ Thị Nhân (Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình)