Vừa xuống đội kiểm tra, gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại, ông Trần Mạnh Dũng, đội trưởng đội sản xuất Thống Nhất cho biết: Thời tiết nắng nóng nên dứa chín đồng loạt và chín rất nhanh. Quả dứa mới ngả vàng 1-2 mắt thì chỉ cần 3-4 ngày sau là đã chín toàn bộ, và nếu không buộc quả cẩn thận, để dây buộc bị bung ra, quả sẽ bị cháy ngay; ngoài ra khi bị côn trùng cắn hay mầm bệnh xâm nhập, dứa sẽ rất nhanh thối, hỏng. Do vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là dứa chín đến đâu phải được thu hoạch ngay đến đó. Đội Thống Nhất có khoảng 170 hộ nhận khoán với diện tích hàng trăm ha, áp lực là rất lớn, do vậy chúng tôi phải thường xuyên đi kiểm tra, nắm bắt tình hình dứa chín của từng hộ dân để phân bổ sản lượng thu mua, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho bà con. Đầu năm, tổng sản lượng dứa chính vụ (thu vào các tháng 6,7,8) mà các hộ đăng ký là 991 tấn thì đến thời điểm hiện tại đã có trên 450 tấn được Công ty thu mua.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng chia sẻ thêm với chúng tôi: Sản lượng mà nông dân đăng ký đầu năm là vậy nhưng con số thực tế lại cao hơn nhiều bởi năm nay dứa được mùa, bên cạnh đó có nhiều hộ trồng dứa không đăng ký bán hết sản phẩm cho Công ty mà để dành xuất cho tư thương với mong bán được giá cao hơn. Tuy nhiên năm nay, giá dứa ngoài thị trường tự do xuống thấp, lại khó tiêu thụ nên nhiều hộ đến tận tháng 6 khi dứa gần chín mới đăng ký bán thêm cho Công ty, điều này gây nhiều khó khăn trong việc bố trí kế hoạch sản xuất của Nhà máy cũng như quá trình điều hành quản lý của các đội.
Có mặt tại Nhà máy chế biến của Công ty, việc chế biến các sản phẩm rau củ khác tạm gác lại để dành ưu tiên số một cho quả dứa. Mỗi ngày, hàng trăm tấn dứa được đổ về đây, công nhân thay nhau làm việc 3 ca liên tục, toàn bộ dây chuyền máy móc hoạt động hết công suất. Ngoài ra, hiện nay, Nhà máy còn đóng hộp, xuất dứa tươi đi Trung Quốc với sản lượng mỗi ngày là 40 tấn. Theo tổng hợp từ Công ty CPTPXK Đồng Giao thì đến thời điểm ngày 2/7, Công ty đã thu mua 3.034 tấn dứa cho các hộ dân, bằng 49% so với kế hoạch mà các hộ đã đăng ký tại thời điểm tháng 4/2018.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CPTPXK Đồng Giao cho biết: Về nguyên tắc Công ty chỉ có trách nhiệm mua hết khối lượng dứa các hộ đã đăng ký giao khoán và đăng ký bán cho Công ty tại thời điểm tháng 4/2018. Tuy nhiên, phần lớn các hộ là công nhân và hộ nhận khoán của Công ty, để tránh thiệt hại cho bà con, HĐQT Công ty thống nhất sẽ cố gắng thu mua hết phần dứa vượt khoán mà các hộ đăng ký bán thêm cho Công ty tại thời điểm tháng 6/2018. Trước mắt sẽ ưu tiên thu mua khối lượng dứa chính vụ các hộ đăng ký vào tháng 4, sau đó thu mua đến khối lượng dứa đăng ký lần 2 vào tháng 6 với giá thu mua bằng đúng giá ban đầu, tức là 3.500 đồng đối với dứa cayen và 3.300 đồng đối với dứa queen (loại 1). Đối với các trường hợp do thời tiết khắc nghiệt, hoặc thiên tai bất khả kháng mà không may gây hư hỏng dứa của các hộ với khối lượng lớn, Công ty sẽ lập đoàn đánh giá, xác nhận khối lượng thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với các hộ bị thiệt hại.
Mặc dù, đến thời điểm này, những căng thẳng do việc dứa chín đồng loạt đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên trước đó, một số hộ trồng dứa do không đăng ký sản lượng với Công ty ngay từ đầu năm (với tư tưởng chờ giá thị trường tự do lên cao để bán cho tư thương) nên mặc dù dứa đã chín nhưng vẫn phải đợi các hộ đăng ký trước thu xong mới được thu mua. Trong thời gian chờ đợi đó, do thời tiết nắng nóng đã xảy ra hiện tượng một số hộ có dứa chín bị hư hỏng trên đồng vào thời điểm chính vụ. Phải chăng hiện tượng này sẽ khiến người nông dân phải cân nhắc trước 2 lựa chọn: một là ký kết bán nông sản mình làm ra với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ với mức giá hợp lý để có thu nhập đảm bảo, hai là chấp nhận may rủi để có được lợi nhuận cao hơn từ thị trường tự do.
Bài học rút ra qua sự việc trên là cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và người nông dân, đảm bảo sự bình đẳng, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về phía người nông dân, khi đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thì cần tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết, đây cũng là yếu tố quyết định để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, tránh tình trạng bấp bênh do phụ thuộc vào giá cả thị trường. Về phía doanh nghiệp, cũng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, góp phần khắc phục tình trạng dư thừa nông sản vào những lúc cao điểm và giảm tỷ lệ hao hụt nông sản. Cùng với đó, cần tăng cường khâu quản lý, giám sát trong thu mua nông sản, có các giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại do nông sản bị ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc thiên tai.
Hà Phương